“Trời Hà Nội xanh” - ký ức Điện Biên Phủ trên không sau 50 năm

Nhìn lại sự kiện lịch sử này sau 50 năm, những người làm phim của Điện ảnh QĐND đã có độ lùi thời gian để chọn các sự kiện, chi tiết, nhân vật một cách thấu đáo, điển hình trong bộ phim tài liệu Trời Hà Nội xanh.

Với Điện ảnh Quân đội nhân dân (QĐND), phim tài liệu về đề tài chiến tranh cách mạng được xem là thế mạnh và lợi thế. Riêng sự kiện 12 ngày đêm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, đã có nhiều bộ phim ra đời, với những cách tiếp cận, thể hiện khác nhau. Nhìn lại sự kiện lịch sử này sau 50 năm, những người làm phim của Điện ảnh QĐND đã có độ lùi thời gian để chọn các sự kiện, chi tiết, nhân vật một cách thấu đáo, điển hình trong bộ phim tài liệu Trời Hà Nội xanh.

1. Phim tài liệu Trời Hà Nội xanh gồm 2 tập với tên gọi Bầu trời của đạn bom Bầu trời của hòa bình là sự nhìn lại cuộc chiến 12 ngày đêm chiến thắng B52 trên bầu trời Hà Nội. Độ lùi thời gian và tư liệu dày dặn, là lợi thế để thực hiện bộ phim. Nhưng, đó cũng là khó khăn, bởi do thời gian sau một đời người, nhiều nhân vật chính đã già yếu, đã quên hoặc đã đi xa, khó cho việc phục hồi lại tư liệu gốc. Hay đã có nhiều bộ phim tài liệu về sự kiện này, đến phim này thì phải làm thế nào để tránh lặp lại? Những người làm phim và ban lãnh đạo của Điện ảnh QĐND đã bàn với nhau làm sao phải tìm một cách nói mới, kể mới.

Với nguồn tư liệu phong phú về sự kiện Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, đó là một lợi thế nhưng với Thượng tá Phan Thanh Hùng - đạo diễn tập phim Bầu trời của đạn bom thì cái khó nhất khi làm phim tài liệu không phải ở việc tìm tư liệu, mà là cách thể hiện bộ phim như thế nào, nhất là với một sự kiện lịch sử lớn đã có nhiều bộ phim thành công, người đi sau phải tìm ra được cách kể câu chuyện mới, khai thác những khía cạnh mới. Bên cạnh đó, việc mở rộng nhân vật cũng là một khó khăn bởi nhân chứng còn cũng hầu hết đã ở tuổi cao, sức khỏe và trí nhớ không còn tốt; việc xác minh lại những thông tin liên quan lịch sử; sự khác nhau giữa thông tin có được với thực tế khi đến tìm hiểu trực tiếp… cũng đòi hỏi đạo diễn phải rất cẩn trọng, cân nhắc lựa chọn.

Đoàn làm phim gặp gỡ, phỏng vấn các nhân chứng của 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không

Đoàn làm phim gặp gỡ, phỏng vấn các nhân chứng của 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không

Chia sẻ về quá trình xây dựng kịch bản, nhà văn Hà Đình Cẩn cho hay: “Nhìn lại sau 50 năm, không ít người thấy có đêm bộ đội phòng không- không quân và các lực lượng dân quân tự vệ bắn cháy đến sáu máy bay B52, thì thánh hóa lên, coi như người lính phòng không có mắt thần, có thiên bẩm, cứ bắn là trúng. Đâu phải thế. Không có mắt thần nào cả. Chỉ là mắt của những người lính nhìn lên bầu trời, sẵn sàng hy sinh cho bầu trời Thủ đô chiến thắng. Những đôi mắt tinh tường và bình tĩnh đến gan góc, từng trải qua nhiều lần sống chết, tìm ra cách đánh B52, phải nhìn thấy kẻ thù lẩn khuất trong mớ nhiễu rối loạn trên màn hình”. Đã có nhiều hy sinh, những bài học từ thực tiễn trên trận địa, bài học của những lần thất bại, cùng với kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học phòng không- không quân, nhiều sĩ quan chỉ huy, trắc thủ giàu kinh nghiệm, để đúc kết thành cuốn cẩm nang “Cách đánh B52”. Sau đó là liên tục nghiên cứu, bổ sung, cải tiến phương pháp, cách đánh… qua thực tiễn để có 12 ngày đêm chiến đấu kiên cường bảo vệ bầu trời Hà Nội. Không có những lời ngợi ca, tôn vinh, phim chọn cách kể bằng chính câu chuyện của nhân vật, cảm động và thuyết phục người xem.

Cảnh trong phim

Cảnh trong phim

Những nhân vật xuất hiện trong phim hầu hết là những người từng trực tiếp chỉ huy, trực tiếp chiến đấu trên trận địa. Một số hình ảnh về họ được khai thác trong kho tư liệu phim của Điện ảnh QĐND, một số được thực hiện ghi hình hôm nay qua hồi tưởng. Điều đó làm cho bộ phim giàu tính chân thực hơn bất cứ lời bình nào. Phim cũng dành thời lượng để nói về các anh hùng phi công từng bắn rơi máy bay Mỹ trong 12 ngày đêm, nhưng đã hy sinh, chưa có điều kiện kể nhiều về họ. Và, thay vì kể về các chiến công của từng trận đánh, phim đã đi vào giới thiệu những địa chỉ máy bay B52 rơi trên đất Hà Nội. Mỗi một điểm máy bay rơi tại chỗ, là địa chỉ đỏ cho thế hệ trẻ hôm nay khi nhìn về chiến thắng của thế hệ bảo vệ bầu trời nửa thế kỷ trước.

2. Thượng tá Phạm Thanh Hùng là đạo diễn được tin tưởng với nhiều kinh nghiệm để hoàn thành tốt tập phim này, nhất là khi anh được tiếp nối mạch sự kiện và cảm hứng từ bộ phim tài liệu Lửa từ thành cổ nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị mà anh đạo diễn trước đó không lâu. Còn với đạo diễn trẻ Bùi Thanh Hải, tập 2 Bầu trời của hòa bình là bộ phim thứ 4 mà anh tham gia với vai trò đạo diễn. Anh thú nhận, cùng sự tự hào, thì áp lực với anh cũng rất lớn. Bởi với một người trẻ, khi nhìn lại lịch sử hào hùng của dân tộc và thể hiện được tốt những thông điệp qua một tập phim tài liệu gần 30 phút, đó không phải là việc dễ dàng.

Cảnh trong phim

Cảnh trong phim

Với cái nhìn của những người sinh ra, lớn lên sau chiến tranh, bộ phim cũng cho thấy một Hà Nội- Việt Nam đầy quả cảm, bao dung đã vượt lên những đổ nát, hy sinh, đau thương, để xây dựng lại cuộc sống; đã cao thượng khi đối xử với những kẻ thù- tù nhân phi công; và sau đó sẵn sàng hóa giải hận thù để hướng tới tương lai.

Được sinh tại Hà Nội năm 1972, Thượng tá Nguyễn Thu Dung, Giám đốc Điện ảnh QĐND không nén được xúc động khi xem những thước phim về Hà Nội trong trận chiến Điện Biên Phủ trên không. Chị chia sẻ: “Mẹ tôi thường kể với chúng tôi về ký ức những ngày bà ôm con vừa sinh chạy xuống hầm trú ẩn mỗi khi nghe còi báo động vang lên. Ký ức đó thật sống động với mẹ tôi, còn với tôi nó có gì thật xa xôi. Cho đến khi tôi tổ chức kịch bản và biên tập bộ phim tài liệu “Trời Hà Nội xanh”, ngồi bên bàn dựng xem những thước phim tư liệu về Hà Nội năm 1972, với những máy bay B52, những bom đạn rải xuống, với những hầm trú ẩn, với Khâm Thiên, Bạch Mai đổ nát và tang thương… thì tôi mới cảm nhận đầy đủ và sâu sắc hơn về ký ức của mẹ tôi vẫn hay kể với các con.”

Phim tài liệu Trời Hà Nội xanh không chỉ nhắc nhớ về một thời anh dũng, kiên cường mà còn là sự tri ân những nhà quay phim của Điện ảnh QĐND đã không quản mưa bom, bão đạn để ghi lại mỗi hình ảnh, thước phim tư liệu từ những ngày bom đạn đó cho thế hệ mai sau. “Tôi tin bộ phim sẽ chạm được đến trái tim khán giả, sẽ là ký ức với những khán giả như mẹ tôi; sẽ là sự xúc động, tự hào, hiểu và thêm yêu lịch sử hào hùng của dân tộc để biết quý trọng giá trị của hòa bình với những khán giả may mắn sinh ra trong hòa bình”, Thượng tá Nguyễn Thu Dung nói.

Tin cùng chuyên mục