Trốn thuế tầm quốc tế

Nhà giàu Mỹ ồ ạt bán tháo tài sản để tránh mức thuế cao được áp dụng nếu nền kinh tế chạm đến “vực thẳm ngân sách”. Tỷ phú nhiều nước bỏ quốc tịch, xin nhập quốc tịch ở những nước đánh thuế cá nhân thấp để né thuế…  Kinh tế càng khó khăn, ngân sách nhà nước càng cạn kiệt. Cuộc chiến trốn thuế và truy thuế diễn ra gay gắt hơn bao giờ hết.
Trốn thuế tầm quốc tế

Nhà giàu Mỹ ồ ạt bán tháo tài sản để tránh mức thuế cao được áp dụng nếu nền kinh tế chạm đến “vực thẳm ngân sách”. Tỷ phú nhiều nước bỏ quốc tịch, xin nhập quốc tịch ở những nước đánh thuế cá nhân thấp để né thuế…  Kinh tế càng khó khăn, ngân sách nhà nước càng cạn kiệt. Cuộc chiến trốn thuế và truy thuế diễn ra gay gắt hơn bao giờ hết.

Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS, lá chắn an toàn của nhiều tỷ phú thế giới.

Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS, lá chắn an toàn của nhiều tỷ phú thế giới.

Vỏ quýt dày

Theo CNBC, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đang tranh cãi kịch liệt về biện pháp đối phó với “vực thẳm ngân sách” (fiscal cliff). Thuật ngữ tài chính này dùng để chỉ tình trạng khi các chính sách cắt giảm thuế thời Tổng thống George W. Bush hết hiệu lực, nước Mỹ quay lại thời thuế suất của cựu Tổng thống Bill Clinton. Điều đó đồng nghĩa với việc luật thuế áp đặt 35% thuế lên 1,2% những người giàu nhất nước Mỹ, ứng với quy định tại Luật Củng cố ngân sách năm 1993 (Omnibus Budget Reconciliation Act of 1993), còn gọi là Luật Giảm thâm hụt ngân sách mà ông Bill Clinton đã ký năm 1993.

Bên cạnh áp lực này, một điều khiến người giàu ở Mỹ lo lắng là từ năm 2013, thuế thu nhập bán tài sản sẽ tăng từ mức 15% hiện nay lên 25%, ngoài ra các loại thuế khác cũng sẽ tăng là thuế cổ tức (từ 15% lên 43%), thuế tài sản (tăng lên 35% đối với tài sản trên 5 triệu USD và tăng lên 55% đối với tài sản từ 1 triệu USD đến 5 triệu USD)… Vì thế, CNBC gọi năm 2012 là năm “vàng” để bán tài sản nếu một người không muốn mất hàng triệu USD tiền thuế cho những giao dịch từ năm tới.

Ông Robert Williams, một quan chức của Trung tâm Chính sách thuế của Mỹ cho biết, việc đổ xô bán tài  sản sẽ khiến giá tài sản sụt giảm, khiến số thuế mà các nhà chức trách Mỹ thu được biến động mạnh và trở nên khó dự báo. Từ đó dẫn đến nhiều khả năng, Chính phủ Mỹ sẽ thu được ít thuế hơn trong 1-2 năm đầu tăng thuế. Còn nhớ, năm 1986, thuế thu nhập bán tài sản ở Mỹ là 20%, nhưng đã tăng lên 28% vào năm 1987 theo chương trình cải tổ thuế của Tổng thống Ronald Reagan. Vào năm 1986, mức thu thuế thu nhập bán tài sản của Chính phủ Mỹ là 52 tỷ USD, cao gấp đôi năm 1985. Nhưng đến năm 1987, khi mức thuế suất cao hơn được áp dụng, số tiền thuế thu được đã giảm một nửa.

Đó là câu chuyện trốn thuế ở Mỹ nhiều khả năng diễn ra trong thời gian tới mà các nhà hoạch định chính sách lo lắng có thể gây ảnh hưởng đến đà phục hồi tăng trưởng ở Mỹ. Trốn thuế của nhà giàu thế giới ngày càng bùng nổ. Được nhắc đến gần đây nhất là hiện tượng các tỷ phú từ bỏ quốc tịch để gia nhập quốc tịch khác mà luật thuế cá nhân “dễ thở” hơn. Nổi bật là câu chuyện về tỷ phú người Pháp Bernard Arnault, đại gia giàu nhất châu Âu và giàu thứ tư thế giới (theo tạp chí xếp hạng của tạp chí Forbes của Mỹ) xin nhập quốc tịch Bỉ.

Ông được xem là người mở đầu làn sóng người có thu nhập trên 1 triệu EUR/năm ở Pháp đổi quốc tịch để trốn mức thuế 75% (mức thuế cũ là 48%) mà chính phủ Tổng thống Francois Hollande sẽ áp dụng từ đầu năm sau. Một trường hợp từ bỏ quốc tịch khác được truyền thông nhắc đến là việc tỷ phú Eduardo Saverin, 1 trong 4 nhà đồng sáng lập mạng xã hội Facebook từ bỏ quốc tịch Mỹ nhập quốc tịch Singapore để né khoản thuế “khủng” ngay trước  ngày Facebook công bố IPO hồi tháng 5 vừa qua.

Có móng tay nhọn

Truy thuế đang là ưu tiên của chính phủ các nước. Các tập đoàn lớn trên thế giới đang đối mặt với các vụ kiện pháp lý cùng những khoản phạt liên quan đến trốn thuế. Nhiều tập đoàn của Mỹ liên quan đến ngành truyền thông đang trong tầm ngắm của các nhà làm thuế của các nước châu Âu. Anh đang đặt câu hỏi làm thế nào mà Google chỉ nộp thuế chưa tới 10 triệu USD trong năm 2011 dù doanh số bán hàng đạt hơn 4 tỷ USD ở Anh? Còn Apple, công ty công nghệ khổng lồ của Mỹ với tổng giá trị gần 625 tỷ USD đang sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để giảm tỷ lệ nộp thuế của mình xuống chỉ còn 1,9% trong khi mức thuế áp dụng ở Anh là 24%. Phía Anh ước tính, Apple đã né được hơn 880 triệu USD tiền thuế trong năm 2011.

Trong khi đó, theo Reuters, chuỗi thương hiệu cà phê lớn nhất thế giới Starbucks trong 3 năm qua đã không trả thuế cho cơ quan thuế ở Anh. Hãng này chỉ phải trả 13,7 triệu USD cho tiền thuế ở Anh hơn 13 năm qua trong khi doanh số bán hàng được ghi nhận trong khoảng thời gian trên là gần 5 tỷ USD. Còn Amazon thì tránh thuế ở Anh bằng cách báo cáo doanh số bán hàng châu Âu thông qua một đơn vị đặt tại Luxembourg. Theo đó, hãng này trả mức thuế suất 11% trên lợi nhuận hoạt động ở nước ngoài của hãng năm ngoái, ít hơn một nửa thuế suất thu nhập trung bình doanh nghiệp trong các thị trường lớn của nó.

Đối với thuế thu nhập cá nhân, Thụy Sĩ được biết đến là “thiên đường”. Một trong những đề tài được thảo luận nhiều nhất ở Thụy Sĩ là việc có hay không tiếp tục hỗ trợ cho nhà giàu của các nước né thuế quốc gia bằng các tài khoản ngân hàng lập ở Thụy Sĩ. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia có những thái độ riêng. Cuối tuần qua, Thượng viện Đức đã phủ quyết hiệp định thuế với Thụy Sĩ. Hiệp định này quy định các công dân Đức gửi tiền trong tài khoản bí mật tại các ngân hàng Thụy Sĩ sẽ phải đóng thuế cho cơ quan Đức nhưng Thượng viện Đức cho rằng những quy định trong hiệp định không chặt chẽ, quá nhiều kẽ hở cho việc trốn thuế. Họ muốn những quy định chặt chẽ hơn để dễ dàng truy thuế công dân mình.

Ngân hàng Credit Suisse lớn thứ hai ở Thụy Sĩ được biết đến là “lá chắn” cho các nhà giàu trên thế giới khi năm ngoái thừa nhận đã chi 329 triệu USD để bôi trơn hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia có công dân giàu có, mở tài khoản tại đây. Mỹ là quốc gia có nhiều tập đoàn trốn thuế ở các nước và cũng là quốc gia đau đầu do người giàu nước mình trốn thuế. Bộ Tư pháp Mỹ đang tiến hành điều tra 8 ngân hàng nước ngoài “tiếp tay” cho hành vi trốn thuế của công dân Mỹ, trong đó có ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ là UBS và ngân hàng Credit Suisse.

Như Quỳnh (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục