Đó là lời chia sẻ của ông Trần Văn Đây (ảnh, 56 tuổi, ngụ ấp 4, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TPHCM) - người có gần 40 năm kinh nghiệm trong nghề trồng mai và cây cảnh.
Ông Đây kể bản thân “lĩnh hội” cái nghề này từ những năm 1970, do cha ông truyền lại. Niềm đam mê và yêu thích cây cảnh đã được “bồi đắp” trong ông từ khi còn là một chàng trai trẻ, nên sau khi tiếp nhận vườn cây, ông chọn mai chiếu thủy để thử nghiệm chăm sóc cây, tạo dáng. Sau đó, ông Đây chuyển sang trồng cây sứ, hoa lan và cuối cùng “gắn mình” với cây mai ghép.
Chia sẻ về quá trình chăm sóc vườn mai của mình, ông cho biết bất cứ ở đâu, vườn nào có mai đẹp là ông lặn lội tìm đến, để vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa chọn những cây ưng ý mang về, để tiếp tục cắt tỉa, “gọt giũa” cho ra thành phẩm ưng ý nhất. Có khi ông chạy xuống Tiền Giang, Bến Tre, rồi có lúc lại chạy ngược về Thủ Đức, Đồng Nai… Ông khéo léo uốn nắn, chăm sóc và sáng tạo ra nhiều gốc mai đẹp. Hiện trong vườn nhà ông có hơn 400 cây mai đã ghép chuẩn với đủ kích cỡ lớn nhỏ và kiểu dáng khác nhau, ngoài ra còn hơn 100 gốc mai ghép thô chưa hoàn chỉnh, hơn 50 cây sứ cảnh.
Rồi cũng vì yêu nghề, đam mê cái đẹp, ông đăng ký tham gia thực hiện mô hình trình diễn về trồng mai ghép do Trạm Khuyến nông huyện Nhà Bè tổ chức. Tuy là “lão làng” trong nghề nhưng khi tham gia mô hình ông vẫn hăng say, vì theo ông kinh nghiệm mỗi người mỗi khác, nhất là trong nghề trồng cây cảnh, mỗi người có mắt thẩm mỹ và sự sáng tạo khác nhau, sự cầu thị học hỏi sẽ giúp người trồng cây nâng cao tay nghề, kiến thức và truyền cảm hứng ấy vào từng cây cảnh, tạo ra sản phẩm sinh động, có hồn và độc đáo.
Theo ông Đây, phải mất cả năm mới có thể tạo được một gốc mai có dáng, thế đẹp mắt. Nhưng trong một năm đó, đòi hỏi người trồng mai phải có sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, vì cây mai không như những loại cây khác, có khi vài ba tháng không bán được cây nào nhưng có ngày lại bán được cả chục triệu đồng. Vườn mai ghép của ông có giá trung bình từ 500.000 - 1 triệu đồng/cây, mỗi năm ông bán khoảng 200 - 300 cây, nhưng thường dồn vào mùa tết là chính. Những tháng gần tết, thương lái tìm đến nhà để mua, nên ông không ngại về đầu ra cho sản phẩm.
Với ông Đây, trồng cây cảnh đã mang lại cho ông nhiều lợi ích, vừa có tiền vừa có sức khỏe. Ông Đây khẳng định: “Với tôi, trồng cây cảnh có 3 lợi ích rất thiết thực. Trước hết là thỏa mãn niềm yêu thích, thư giãn tinh thần. Thứ hai là rèn luyện được sức khỏe nhờ lao động chân tay. Thứ ba là đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình”.
Ông Đây kể bản thân “lĩnh hội” cái nghề này từ những năm 1970, do cha ông truyền lại. Niềm đam mê và yêu thích cây cảnh đã được “bồi đắp” trong ông từ khi còn là một chàng trai trẻ, nên sau khi tiếp nhận vườn cây, ông chọn mai chiếu thủy để thử nghiệm chăm sóc cây, tạo dáng. Sau đó, ông Đây chuyển sang trồng cây sứ, hoa lan và cuối cùng “gắn mình” với cây mai ghép.
Chia sẻ về quá trình chăm sóc vườn mai của mình, ông cho biết bất cứ ở đâu, vườn nào có mai đẹp là ông lặn lội tìm đến, để vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa chọn những cây ưng ý mang về, để tiếp tục cắt tỉa, “gọt giũa” cho ra thành phẩm ưng ý nhất. Có khi ông chạy xuống Tiền Giang, Bến Tre, rồi có lúc lại chạy ngược về Thủ Đức, Đồng Nai… Ông khéo léo uốn nắn, chăm sóc và sáng tạo ra nhiều gốc mai đẹp. Hiện trong vườn nhà ông có hơn 400 cây mai đã ghép chuẩn với đủ kích cỡ lớn nhỏ và kiểu dáng khác nhau, ngoài ra còn hơn 100 gốc mai ghép thô chưa hoàn chỉnh, hơn 50 cây sứ cảnh.
Rồi cũng vì yêu nghề, đam mê cái đẹp, ông đăng ký tham gia thực hiện mô hình trình diễn về trồng mai ghép do Trạm Khuyến nông huyện Nhà Bè tổ chức. Tuy là “lão làng” trong nghề nhưng khi tham gia mô hình ông vẫn hăng say, vì theo ông kinh nghiệm mỗi người mỗi khác, nhất là trong nghề trồng cây cảnh, mỗi người có mắt thẩm mỹ và sự sáng tạo khác nhau, sự cầu thị học hỏi sẽ giúp người trồng cây nâng cao tay nghề, kiến thức và truyền cảm hứng ấy vào từng cây cảnh, tạo ra sản phẩm sinh động, có hồn và độc đáo.
Theo ông Đây, phải mất cả năm mới có thể tạo được một gốc mai có dáng, thế đẹp mắt. Nhưng trong một năm đó, đòi hỏi người trồng mai phải có sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, vì cây mai không như những loại cây khác, có khi vài ba tháng không bán được cây nào nhưng có ngày lại bán được cả chục triệu đồng. Vườn mai ghép của ông có giá trung bình từ 500.000 - 1 triệu đồng/cây, mỗi năm ông bán khoảng 200 - 300 cây, nhưng thường dồn vào mùa tết là chính. Những tháng gần tết, thương lái tìm đến nhà để mua, nên ông không ngại về đầu ra cho sản phẩm.
Với ông Đây, trồng cây cảnh đã mang lại cho ông nhiều lợi ích, vừa có tiền vừa có sức khỏe. Ông Đây khẳng định: “Với tôi, trồng cây cảnh có 3 lợi ích rất thiết thực. Trước hết là thỏa mãn niềm yêu thích, thư giãn tinh thần. Thứ hai là rèn luyện được sức khỏe nhờ lao động chân tay. Thứ ba là đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình”.