Chống sạt lở từ cây bần
Huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang có sông ngòi chằng chịt, nhiều kênh rạch với dòng nước chảy xiết nên dễ bị sạt lở đất cả mùa mưa lẫn mùa khô. Hiện tượng sạt lở bờ sông diễn ra rộng khắp, từ tuyến sông chính đến hệ thống kênh rạch. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 39 vụ sạt lở đất, với tổng chiều dài gần 1km, diện tích mất đất khoảng 5.000m². Ông Bùi Thanh Trí, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành, cho biết: “Là huyện có vị trí tiếp giáp sông Hậu với nhiều kênh rạch, những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông diễn biến phức tạp. Do đó, Hội Nông dân huyện xây dựng mô hình hội viên nông dân chung tay phòng chống, khắc phục tình trạng, nhằm góp phần cùng chính quyền hạn chế sạt lở”.
Được sự thống nhất của các ngành liên quan, Hội Nông dân huyện cùng hội viên nông dân triển khai mô hình làm rào tre, bao lưới, thả lục bình, rồi trồng cây bần để phòng chống sạt lở đất, với phương châm 4 tại chỗ là “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và kinh phí tại chỗ”. Mô hình này được người dân đồng tình ủng hộ. Tất cả kinh phí, giống cây bần (loại cây chắn sóng, giữ đất, chống sạt lở) chủ yếu vận động trong nông dân.
Nói về mô hình hội viên nông dân trồng bần phòng chống sạt lở, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Phước (huyện Châu Thành), chia sẻ: “Để phòng chống sạt lở đất, chính quyền địa phương cùng người dân dùng lưới cố định xung quanh khu vực sạt lở. Sau đó, thả lục bình vào bên trong nơi bao lưới, đồng thời kết hợp trồng cây bần ở cạnh bờ. Việc thả lục bình vừa hạn chế sóng đập vào bờ, vừa bảo vệ được những cây bần khi mới trồng. Ngoài ra, môi trường cũng được bảo vệ do diện tích cây xanh tăng lên…”.
Theo ông Hà Văn Tâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Phước A (huyện Châu Thành), hội nông dân không thể làm những việc chuyên sâu như ngành nông nghiệp, tuy nhiên với vai trò của mình, hội đã góp phần tích cực trong việc phòng chống sạt lở hiệu quả. Hiện mô hình này đã được triển khai trên các tuyến sông ở 3 ấp của xã Đông Phước A. Đồng thời, được tiếp tục nhân rộng trên địa bàn toàn xã, nhằm khắc phục và phòng chống sạt lở trong thời gian tới. Theo ghi nhận, một đoạn đường bê tông nông thôn dài hàng chục mét cạnh bờ sông ở ấp Phước Hưng có nguy cơ sạt lở đã được gia cố, rào lưới và trồng bần…
Nhân rộng mô hình
Là một trong những người dân địa phương đồng tình, ủng hộ mô hình trồng cây bần phòng chống sạt lở, bà Nguyễn Thị Bé (61 tuổi, ngụ xã Đông Phước A) cho biết: “Sau khi nghe Hội Nông dân xã vận động, tôi và tất cả bà con trong vùng đều nhất trí, ủng hộ ngay. Ngoài việc hỗ trợ ngày công lao động, gia đình tôi quyết định hiến cả một bụi tre, với hàng chục cây to để làm rào, bao lưới, thực hiện mô hình trồng cây bần phòng chống sạt lở. Nhờ vậy, con lộ bê tông cũng an toàn hơn”.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân huyện Châu Thành, kết quả bước đầu rất khả quan, được người dân tin cậy và ứng dụng, bởi chi phí đầu tư thấp, nhưng mang lại hiệu quả tích cực. Hiện toàn huyện Châu Thành có 4 mô hình như vậy. Hướng tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục nhân rộng mô hình này; tăng cường phòng ngừa tại những điểm nguy cơ sạt lở. Riêng đối với những điểm đã gia cố, sẽ tiếp tục trồng thêm cây bần để bảo dưỡng lâu dài…
Tương tự, ở Đồng Tháp, mô hình thả lục bình và trồng cây bần giữ mé sông, nhằm phòng chống sạt lở cũng được người dân ứng dụng hiệu quả. Tại tuyến sông Sa Đéc - Vàm Cống, người dân ở 2 ấp Tân Thuận A và Tân Thuận B (xã Tân Dương, huyện Lai Vung) tích cực nhân rộng “mô hình xanh” trồng cây bần phòng chống sạt lở. Bà Nguyễn Thị Phượng, ngụ xã Tân Dương, nhìn nhận: “Nhờ mô hình trồng bần mà phần đất ven bờ sông khá ổn định, cây lớn lên đã tạo bóng mát nhìn rất đẹp mắt. Thấy hiệu quả, nên nhiều người triển khai tiếp nhằm bảo vệ đất bờ sông phía trước nhà…”.
Ông Nguyễn Tấn Tài, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Dương, huyện Lai Vung, cho biết: “Nếu như trước đây xử lý những đoạn sạt lở đất thì Nhà nước phải bỏ ra hàng tỷ đồng, giờ đây xuất hiện mô hình kết hợp trồng cây bần phòng chống sạt lở, nên kinh phí không bao nhiêu”. Trồng bần phòng chống lở đất đã mang lại hiệu quả thiết thực, vì vậy hội nông dân các địa phương ở ĐBSCL đang đẩy mạnh nhân rộng mô hình này.