Trông chờ vaccine sản xuất trong nước

Trông chờ vaccine sản xuất trong nước

Trong những năm qua, chưa có năm nào lại khan hiếm vaccine tiêm chủng dịch vụ cho trẻ em như năm 2015, nhất là vaccine “5 trong 1”, “6 trong 1”, thủy đậu. Phụ huynh nào đã lỡ chích mũi thứ nhất cho con hay muốn chích những loại vaccine này thì phải ra nước ngoài, với chi phí khá cao. Vậy, khi nào vaccine sản xuất trong nước đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân?

Điệp khúc khan hiếm

Từ giữa năm 2014 đến nay, tình trạng thiếu vaccine tiêm chủng dịch vụ ngày càng trở nên trầm trọng. Một số loại vaccine, nhất là thủy đậu (Varivax), vaccine “6 trong 1” gồm phòng ngừa các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm màng não do Hib thì càng “bói” không ra. Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) là do trục trặc bởi nhà cung cấp từ nước ngoài! Báo cáo gửi Sở Y tế TPHCM mới đây, Công ty GlaxoSmithKline cho biết, vaccine Infanrix Hexa (6 trong 1) năm 2015 cung ứng cho thị trường Việt Nam 38.000 liều, trong đó 4.000 liều cung cấp cho Viện Pasteur TPHCM để nghiên cứu lâm sàng. Còn với vaccine Varivax, Công ty Merck Sharp & Dohme đã nộp hồ sơ xin nhập khẩu 170.000 liều cho thị trường Việt Nam năm 2016…

Theo Bộ Y tế, trong năm 2015, lượng vaccine nhập khẩu, cụ thể là vaccine “5 trong 1” để tiêm dịch vụ chỉ bằng 10% - 15% số đặt hàng, dẫn đến thiếu trầm trọng. Tình hình khan hiếm vaccine đã trở thành “điệp khúc” của cơ quan quản lý dược phẩm trong nửa cuối năm 2014 cho đến nay. Trong khi đó, Bộ Y tế luôn khuyến cáo rằng người dân nên tiêm vaccine miễn phí trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, cụ thể là vaccine “5 trong 1” Quinvaxem mà Việt Nam đã được tài trợ miễn phí. Tuy nhiên, tình trạng xảy ra hàng loạt phản ứng sau tiêm loại vaccine này đang khiến người dân vô cùng quan ngại!

Theo Bộ Y tế, hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng với vaccine “5 trong 1” Quinvaxem vẫn triển khai. Còn vaccine tiêm dịch vụ tiếp tục khan hiếm, sớm nhất cũng đến nửa cuối năm 2016 mới có. Theo đó, nếu không “trục trặc”, năm 2016 Việt Nam sẽ có 49.000 liều vaccine “6 trong 1” được nhập khẩu và cung ứng.

Tiêm chủng cho trẻ ở một cơ sở y tế

Trông chờ vaccine sản xuất trong nước

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công nhận hệ thống quản lý quốc gia về vaccine (NRA) của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế, ngang bằng các quốc gia có nền công nghiệp sản xuất vaccine phát triển nhất như: Canada, Mỹ, Pháp, Bỉ…

Với kết quả này, vaccine sản xuất tại Việt Nam có thể mở rộng xuất khẩu sang các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, năng lực sản xuất vaccine của Việt Nam sẽ phát triển đến đâu, nếu không có một chiến lược cụ thể?

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Việt Nam là thành viên thứ 39 được WHO công nhận đạt tiêu chuẩn cơ quan quản lý quốc gia về vaccine trong tổng số 43 nước có sản xuất vacine trên thế giới. Hiện nước ta tự sản xuất được 11/13 loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, viêm gan B, viêm gan A, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn, tiêu chảy. Tuy nhiên, so với thực tế thì chưa đáp ứng hết nhu cầu, khi mà theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay có gần 30 bệnh truyền nhiễm cần dự phòng bằng vaccine.

Theo GS Nguyễn Thanh Long, nếu như trước đây chúng ta phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vaccine nhập ngoại, thì nay đã có 4 nhà máy sản xuất được 13 loại vaccine: Công ty TNHH một thành viên vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Công ty TNHH một thành viên vaccine Pasteur Đà Lạt (DAVAC), Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC), Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC).

Tuy vẫn còn nhập khẩu một số loại vaccine nhưng Việt Nam cũng đã phần nào xuất khẩu được. Trong thời gian vừa qua, Công ty VABIOTECH của Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 3 triệu liều vaccine viêm não Nhật Bản B vào bang Hydrabad (Ấn Độ) và bắt đầu được xuất khẩu vào thị trường Đông Timor. Hơn 32.000 liều vaccine viêm gan A cũng đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc và 115.000 liều vaccine tả uống đã được xuất khẩu đến Sri Lanka, Philippine, Ấn Độ.

“Thực tế, những kết quả trên chưa phản ánh hết tiềm năng và cơ hội xuất khẩu của các nhà sản xuất vaccine trong nước”, GS Long nhấn mạnh. Về cơ hội sản xuất và xuất khẩu vaccine của Việt Nam, theo TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), trong bản báo cáo của đoàn đánh giá WHO đã nhận định, Việt Nam có tiềm năng sản xuất vaccine rất lớn, xếp vào 1 trong 25 quốc gia sản xuất vaccine chiếm 90% doanh số của toàn cầu, đội ngũ cán bộ nghiên cứu, sản xuất vaccine đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Thực tế, dù có tiềm năng của một nền công nghiệp sản xuất vaccine nhưng thách thức lớn vẫn là những chính sách, chiến lược cụ thể để chuyển hóa các giá trị khoa học trong lĩnh vực vaccine thành hàng hóa có giá trị thương mại cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường và xuất khẩu. Hiện Chính phủ đã chấp thuận đề xuất phát triển sản phẩm quốc gia vaccine phòng bệnh cho người nhưng theo GS Nguyễn Thanh Long, cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu nhiều loại vaccine mới theo công nghệ hiện đại nhất để đưa vào sản xuất, sử dụng trong tương lai. Mục tiêu đến năm 2020, sản xuất trong nước sẽ đáp ứng được 100% nhu cầu vaccine của người dân.

Tiến tới không còn phải nhập khẩu vaccine

Theo mục tiêu Chương trình Sản phẩm quốc gia vaccine phòng bệnh cho người, Bộ Y tế đặt định hướng từ nay đến năm 2020, Việt Nam có ít nhất 7 loại vaccine đáp ứng yêu cầu của Chương trình Tiêm chủng quốc gia, thay thế vaccine nhập khẩu và tiến tới xuất khẩu. Trong đó, dạng vaccine đa giá (vaccine 5 trong 1 và 6 trong 1) phối hợp nhiều loại kháng nguyên là một trong những ưu tiên hàng đầu trong nghiên cứu và phát triển vaccine mới tại Việt Nam hiện nay

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục