Đầu năm 2017, nghe thông tin cây nghệ được mua giá cao nên người dân ở các huyện Chư Pưh, Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đổ xô mua giống về trồng. Dân trồng trên đất trống, đất hoa màu, hoặc lấy đất hồ tiêu, cà phê bị bệnh chết để trồng, thậm chí thuê đất cao su tái canh để trồng xen với hy vọng loại cây này sẽ giúp họ cải thiện cuộc sống. “Cơn bão” trồng nghệ nóng đến nỗi nhiều hộ không biết quy trình, kỹ thuật trồng, cũng chẳng quan tâm đến đầu ra mà cứ lao vào trồng nghệ. Bây giờ, nghệ đã đến lúc thu hoạch nhưng không có ai mua. Ông Đào Đình Quang (thôn Lương Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) cho biết, gia đình ông trồng 7 sào nghệ, trong đó 6 sào đất vốn là đất trồng tiêu nhưng tiêu bị bệnh chết. Nhưng nay, dù nghệ đã già, lá khô khốc, cây tàn lụi mà chẳng có ai hỏi mua. Gia đình ông đành để khô giữa vườn. “Hồi ấy, nghe nói nghệ bán giá 14.000 đồng/kg, tôi nhẩm tính năng suất 1 sào thu 1,5 tấn thì hốt bạc nên chuyển qua trồng. Bây giờ, chúng tôi chạy đôn chạy đáo tìm đầu ra. Gia đình không có nhân công nhổ và nếu nhổ cũng chẳng biết làm gì nên ngậm ngùi để khô héo ngoài vườn. Biết càng để lâu nghệ sẽ bị thối, nhưng chẳng còn cách nào khác. Đầu tư 7 sào hết khoảng 22 triệu đồng, nay có nguy cơ mất trắng, xót lắm”, ông Quang buồn rầu nói. Tương tự, đến vườn nghệ rộng 2 sào của gia đình anh Trần Quốc Toản (thôn Phú Vinh, xã Ia Blứ), cây nghệ cũng đã cháy khô. Theo anh Toản, vườn nghệ này anh trồng từ tháng 4 trên đất tái canh cà phê với chi phí đầu tư 10 triệu đồng. Dù anh đã liên hệ nhiều mối nhưng không có ai chịu mua.
Theo ông Lê Quang Vang, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ, diện tích trồng nghệ trên địa bàn gần 100ha. Người dân bắt đầu trồng nghệ từ khoảng 1-2 năm qua, từ thời điểm cây hồ tiêu bị bệnh, chết nhiều. Địa bàn không có hệ thống thu mua và chế biến nên ngành chức năng đang chạy đôn chạy đáo tìm đầu ra cho dân nhưng vẫn chưa có. Theo ông Nguyễn Long Khánh, Phó Trưởng phòng NN-PTNT Chư Pưh, nghệ được trồng nhiều ở 2 xã Ia Blứ và Ia Hla. Địa phương cũng chưa có quy hoạch về cây nghệ. Việc trồng tự phát rất khó khăn, nhất là về vấn đề tiêu thụ.