(SGGPO).- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhóm Nhân sĩ Hà Đông và gia đình ông Trịnh Văn Sỹ vừa có buổi ra mắt cuốn sách Trong ngôi nhà của mẹ do NXB Trẻ ấn hành.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, người nổi tiếng với tập thơ Sự mất ngủ của lửa và rất nhiều cuốn sách khác, nhưng đây là lần đầu tiên ông cho ra mắt một tác phẩm ghi từ lời kể của một người khác, ông Trịnh Văn Sỹ ở làng Đa Sỹ (Hoài Đức, Hà Nội).
Cuốn sách dày hơn 300 trang, được nhà thơ hoàn thành vào tháng 8 vừa qua. Chia sẻ về cơ duyên ra đời cuốn sách kỳ lạ này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết: “Trong nhiều tháng, vào các buổi tối, tôi ngồi nghe anh Trịnh Văn Sỹ kể về cuộc đời mẹ anh, và tôi quyết định phải chép lại câu chuyện này bởi tôi nhận thấy câu chuyện của người mẹ chứa đựng một trong những thông điệp về kiếp người và lẽ sống”.
Bìa sách Trong ngôi nhà của mẹ
Câu chuyện về người mẹ Tạ Thị Dung qua lời lể của người con trai, ông Trịnh Văn Sỹ, chỉ là một câu chuyện bình dị mà ta có thể gặp được ở đâu đó thuộc vùng đồng bằng Bắc bộ. Một người phụ nữ nông dân suốt một đời khổ ải, đã sống trong đói rét, ốm đau, sợ hãi, bệnh tật nhưng ngập tràn tình yêu thương và luôn mơ ước một ngày mai tốt đẹp cho những đứa con mình.
Ông Trịnh Văn Sỹ, nhân vật của cuốn sách tâm sự: “ “Trong ngôi nhà của mẹ chứa đựng những câu chuyện, sự việc có thật do tôi kể cho nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ghi và viết lại một cách chân thực nhất. Những câu chuyện ấy đa phần diễn ra cách đây 50 năm, thậm chí 70 năm. Có những chuyện tôi được trực tiếp tham gia, có những chuyện tôi được chị gái tôi, chị Cúc kể lại. Tôi là đời thứ 12 của dòng họ Trịnh Hữu ở làng Đa Sỹ. Cho dù cuộc đời có biết bao thăng trầm và có lúc tuyệt vọng, nhưng tôi vẫn nhận ra rằng, được sinh ra và lớn lên trên thế gian này là một điều may mắn. Bởi chúng ta được chứng kiến biết bao câu chuyện của con người”.
Tác giả Nguyễn Quang Thiều trong buổi giao lưu, ký tặng sách
Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng có mặt trong buổi ra mắt sách, anh nói: “Tôi đã bỏ ra vài ngày để đọc cuốn sách và thực sự bị chìm đắm trong đó. Khi đọc, có những lúc tôi bị cuốn đi, không thể dừng lại được, bởi vì câu chuyện ấy rất hấp dẫn. Thế nhưng, cũng có những lúc tôi đọc được nửa trang, hoặc vài ba trang thì bắt buộc tôi phải dừng lại, tôi không muốn đọc tiếp bởi vì sự xúc động ấy tôi muốn nó lắng đọng trong tôi, tôi phải dừng lại để sống với sự xúc động ấy. Thậm chí có lúc tôi còn muốn chạy xe máy vào làng Đa Sỹ để gặp chị Cúc - chị gái của anh Sỹ - cũng là một nhân vật trong câu chuyện, tôi muốn biết xem gương mặt chị thế nào. Đây là một câu chuyện ám ảnh về những người đàn bà ở nông thôn đồng bằng Bắc bộ mà khi gập trang cuối sách lại, tôi rất muốn nói với anh Thiều: anh hãy chuyển thể cuốn sách này thành một kịch bản để làm phim, có đầy chất điện ảnh trong đó”.
“Cuốn sách là những câu chuyện cảm động về tình mẫu tử, tình thân ngập tràn tình yêu thương”- Nhà văn Nguyễn Văn Thọ xúc động chia sẻ.
Với Trong ngôi nhà của mẹ tác giả đã tái hiện cả một vùng văn hóa, qua đó tái hiện ra rất nhiều câu chuyện liên quan đến phong tục, tập quán, lối sống rất đáng đọc... Đồng thời, nó cũng phản ảnh những lề thói của một vùng quê, rất có ích để thông qua cuốn sách có thể nhìn thấy đời sống văn hóa của dân tộc Việt...
Đến với cuốn sách người đọc không chỉ mong muốn được quay trở về với những ký ức tuyệt vời về mẹ mà còn khiến cho mỗi người đều mong muốn được sống tốt hơn nữa với người thân yêu.
MAI AN