Trồng rau ăn lá an toàn ​

Hiện nay, việc trồng rau an toàn theo quy trình VietGAP đang dần thay thế trong hoạt động sản xuất của người nông dân nói chung và người trồng rau ăn lá tại TPHCM nói riêng. 
Trồng rau ăn lá an toàn ​
Yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đòi hỏi người sản xuất phải tạo ra những sản phẩm an toàn, thì mới có thể tồn tại và phát triển lâu dài. Trong thực tế đã có rất nhiều người thành công với mô hình này, trong đó có ông Nguyễn Văn Hùng (ảnh, 56 tuổi) ở ấp Nhị Tân, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn (TPHCM). 
Khi đưa chúng tôi đến gặp ông Hùng, người dẫn đường nói tại xã Tân Thới Nhì, ông Hùng là “đại gia” trong sản xuất rau an toàn và là tấm gương hiếu thảo tiêu biểu trong việc phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng. 
Vốn xuất thân từ nghề nấu đám tiệc (hơn 15 năm) - một nghề cũng đem lại thu nhập cao cho gia đình, nhưng do ngày càng lớn tuổi, theo không kịp với thời đại nên ông Hùng quyết định chuyển hướng làm ăn. Gia cảnh của ông sẵn có đất đai ông bà để lại, thấy mọi người trồng rau ăn lá an toàn cũng khá nhàn hạ mà lãi cao nếu biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, ông Hùng quyết định sản xuất rau ăn lá an toàn từ năm 2011 đến nay.
Ông Hùng kể: “Ông bà để lại cho chúng tôi hơn 15.000m2  đất, trong đó 5.000m2 đất trồng lúa và 10.000m2 đất vườn. Lúc đầu tôi cũng chưa biết sản xuất rau gì, ra sao và như thế nào. Để tìm hiểu, tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn và sau này là VietGAP do Trạm Khuyến nông huyện Hóc Môn tổ chức, rồi được cho đi tham quan học tập kinh nghiệm, qua đó đã có “vốn liếng” để áp dụng trên mảnh đất của mình”. Với quan niệm không làm thì thôi, đã làm phải làm cho lớn, làm cho đạt kết quả, ông Hùng đã đầu tư áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Trong vườn ra, ông xây dựng toàn bộ nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới phun, máy cày, máy xới đất để trồng rau ăn lá an toàn.
Đối tượng chủ yếu là rau xà lách, cải xanh, rau muống, mồng tơi và các loại rau gia vị. Hàng ngày, vườn ông cung cấp ra thị trường khoảng 700kg rau an toàn với giá bán từ 7.000 - 10.000 đồng/kg; lợi nhuận thu được khoảng trên 700 - 800 triệu đồng/năm, sau khi trả tiền cho nhân công và chi phí sản xuất. Ông Hùng chia sẻ: “Để thành công, ngoài nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân cho từng loại rau thì còn phải tìm hiểu thị trường, đặc biệt quan trọng là phải biết sử dụng giống tốt (F1) của các công ty uy tín để năng suất cao và chất lượng ổn định, không sử dụng giống trôi nổi”. 
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Hùng còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 10 lao động, xây nhà cho nhân công ở để họ an tâm trong cuộc sống. Ông còn là mạnh thường quân, chung tay với chính quyền trong các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, phong trào đại đoàn kết toàn dân tộc… của xã nhà; được nhiều bằng khen, giấy khen của huyện Hóc Môn về gương người con hiếu thảo và thành tích trong công tác dân vận khéo. Hiện ông Hùng đang phụng dưỡng một mẹ Việt Nam anh hùng.

Tin cùng chuyên mục