Thay mới hoặc dời trụ điện để đảm bảo an toàn điện và mỹ quan trong khu dân cư là chuyện tưởng chừng đơn giản, song lại lắm rắc rối. Khi nói đến chuyện trồng một trụ điện mới, nhiều cán bộ ngành điện lực cũng phải ngao ngán lắc đầu: “Khổ lắm!”…
Dời trụ điện - không đơn giản
Báo SGGP ngày 27-8-2013 có bài phản ánh bức xúc của người dân ở phường 10 quận 8 TPHCM về việc nhà số 414 đường Nguyễn Duy cất nhà bao chiếm trụ điện, gây mất an toàn điện trong khu dân cư. UBND phường 10 quận 8 đã có công văn gửi Công ty Điện lực Chợ Lớn đề nghị di dời trụ điện nói trên.
Trước đó, phía điện lực đã trao đổi với lãnh đạo phường 10 và cho biết trụ điện hạ thế bị bao chiếm đã tồn tại trước năm 1975. Nay nếu muốn di dời trụ điện, hộ dân bao chiếm trụ điện phải liên hệ với phía điện lực để làm thủ tục di dời và chủ hộ phải chịu mọi phí tổn di dời trụ điện. UBND phường đã mời chủ hộ này đến phường làm việc, tuy nhiên chủ hộ chỉ đồng ý dời trụ điện, không đồng ý chịu phần chi phí di dời, dù rằng phần đất bao chiếm là phần diện tích không được công nhận trong giấy chủ quyền.
Rõ ràng, dù trụ điện có trước và địa phương để người dân bao chiếm trụ điện trong thế “chuyện đã rồi”, việc di dời trụ và chi phí di dời đã đặt ngành điện vào thế khó. Đề cập đến hướng xử lý những tình huống như vậy, ông Lê Văn Đoàn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Chợ Lớn, than: “Dân không gánh chi phí thì ngành điện lực phải gánh, dù là trụ điện bị bao chiếm. Cái khó là thủ tục di dời trụ”.
Thực tế, Công ty Điện lực Chợ Lớn cũng đang tồn đọng hồ sơ di dời 2 trụ điện đã có trước, nhà dân cất sau, nay vị trí trụ án ngữ trước nhà dân. Hồ sơ làm từ tháng 6 nhưng đến nay vẫn chưa xong”.
Rắc rối: một trụ điện nhiều “ông”
Dẫn chứng một trường hợp cụ thể gặp nhiều rắc rối là trụ điện trước nhà 251 đường Lưu Hữu Phước, phường 15 quận 8 TPHCM. Do khi xây lại nhà thì “bỗng dưng” trụ điện (trồng trước năm 1975) thành ra án ngữ trước nhà, chủ hộ này đã đề nghị ngành điện di dời trụ. Một quy trình nhiêu khê diễn ra: Phía điện lực cho người xuống khảo sát, lập phương án, bản vẽ… gửi đến Khu Quản lý giao thông số 4. Sau đó, ngày 20-6, phía điện lực mời đại diện Sở GTVT, Khu Quản lý giao thông số 4, Phòng Quản lý đô thị quận 8 và UBND phường 15 đến họp để kiểm tra hiện trường, thỏa hiệp vị trí trồng trụ. Thành phần dự họp không đến đủ, lại phải hoãn. Đến ngày 25-6, phía điện lực phải triệu tập cuộc họp lần hai. Dự đủ thành phần, cùng nhất trí ký vào biên bản.
Với biên bản này, ngày 3-7 phía điện lực kèm với công văn gửi Sở GTVT TPHCM đề nghị thỏa hiệp cho trồng trụ. Ngày 15-7, Sở GTVT TPHCM có văn bản trả lời: “Giao Khu Quản lý giao thông số 4 hướng dẫn xem xét cấp phép, phối hợp Thanh tra Sở GTVT tăng cường kiểm tra giám sát. Chủ đầu tư cần có văn bản cam kết tự di dời và chịu mọi kinh phí, phải cung cấp hồ sơ hoàn công”.
Mừng vì có văn bản của Sở GTVT, ngày 25-9, phía điện lực làm phương án thi công, tiến độ… gửi lên Khu Quản lý giao thông số 4. Nơi đây tiếp nhận hồ sơ, ra biên nhận và yêu cầu tiếp một loạt thủ tục mới, như phải có bản vẽ chi tiết mặt cắt ngang, mặt bằng, bản vẽ tổ chức thi công, hợp đồng giữa chủ đầu tư với đơn vị thi công và tư vấn giám sát, giấy đăng ký kinh doanh, dự toán ký quỹ 10%... Cán bộ điện lực sau khi được hướng dẫn đã… choáng, và đến nay vẫn đang loay hoay với những yêu cầu này.
Ông Trần Văn Toàn, Phó giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn, khi nói về chuyện này cũng… méo mặt. Ông kể: Cách nay vài tháng, khi tiến độ ngầm hóa “mạng nhện” dây điện và dây thông tin tại giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Cách Mạng Tháng Tám vào giai đoạn cuối, ngành điện phải trồng thêm các trụ đỡ các bó dây cho phần chưa ngầm hóa thì bị Thanh tra Sở GTVT lập biên bản phạt mỗi trụ 4 triệu đồng. “Trồng trụ trên vỉa hè là phần do quận quản lý và quận đã đồng ý nhưng vẫn bị sở phạt vì không có giấy phép”, ông Toàn than. “Xin phép thì quận đồng ý hết nhưng phải được sở cấp giấy xin phép. Hồ sơ xin trồng trụ đỡ cho công trình ngầm hóa đoạn Đinh Tiên Hoàng và Hàm Nghi đã nộp lâu rồi, nhưng đến bây giờ vẫn chưa được cấp phép”.
Trồng trụ điện phải xin phép Sở GTVT là thực hiện theo tinh thần Thông báo 5814 ngày 4-8-2011 của Sở GTVT TPHCM nhằm đảm bảo mỹ quan và trật tự an toàn giao thông. Điều này là đúng, song với quy trình “một trụ nhiều ông, nhiều cửa, nhiều giấy” khiến phía điện lực ngán ngại, dân lãnh đủ, công trình bị chậm tiến độ… là điều khó chấp nhận.
THƯ LÊ