Trống vắng sân khấu thiếu nhi

Có một thực tế, hầu hết các sân khấu tại TPHCM đua nhau dàn dựng rất nhiều tác phẩm với các đề tài hài kịch, kinh dị nhưng mảng sân khấu cộng đồng, nhất là sân khấu dành cho thiếu nhi dường như bị bỏ quên...
Trống vắng sân khấu thiếu nhi

Có một thực tế, hầu hết các sân khấu tại TPHCM đua nhau dàn dựng rất nhiều tác phẩm với các đề tài hài kịch, kinh dị nhưng mảng sân khấu cộng đồng, nhất là sân khấu dành cho thiếu nhi dường như bị bỏ quên...

Kịch rối thiếu nhi bị xem nhẹ

Khi nghe có chương trình múa rối tại Bảo tàng TPHCM do đoàn rối Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam biểu diễn, hàng trăm em thiếu nhi đã đến tham dự. Thậm chí, nhiều phụ huynh chỉ nghe thông tin có đoàn rối biểu diễn cũng đưa con đi xem từ rất sớm, dù không có vé mời.

Là người gắn bó lâu năm với sân khấu thiếu nhi, đạo diễn Hoàng Duẩn nhận định: “Múa rối là món ăn tinh thần, dễ cảm nhận và đến gần với thiếu nhi. Đó cũng là cầu nối để giáo dục các em những bài học sống động thông qua những tích cổ hay câu chuyện lịch sử trong các tác phẩm. Nhu cầu xem múa rối ở trẻ em cũng rất lớn. Tuy nhiên, lâu nay hoạt động múa rối biểu diễn dành cho thiếu nhi bị xem nhẹ. Hầu như nhiều em chỉ đọc qua sách vở, xem qua ti vi. Múa rối vẫn còn xa lạ đối với nhiều trẻ em”.

Hiện nay, muốn xem múa rối dành cho trẻ thật sự không biết coi ở đâu. Ngày xưa có rạp Măng Non (193 Đồng Khởi, quận 1) của Đoàn Nghệ thuật múa rối TPHCM cứ cuối tuần lại trình diễn những vở kịch rối hấp dẫn. Tuy nhiên, rạp đã bị đập bỏ để trở thành khu thương mại. Rạp múa rối duy nhất dành cho trẻ em không còn, đoàn rối phải dời đi và nhập chung với Đoàn xiếc thành phố tại Công viên Gia Định. Người ta vẫn có thể dàn dựng và biểu diễn múa rối nhưng đã không còn là đơn vị chuyên múa rối cho trẻ em nữa. Thực tế, khán giả không thể ngồi xem múa rối trong một cái rạp nóng mà âm thanh ánh sáng nghèo nàn. Sân khấu múa rối Nụ Cười của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn là một điểm sáng nhưng lâu lâu mới diễn những chương trình như Ngày xửa, ngày xưa.

Đông đảo trẻ em đến với các sân khấu cộng đồng.

Ngày trước, các nhà thiếu nhi phần lớn đều có các CLB múa rối hoạt động quy mô như: CLB kịch rối Tuổi Ngọc (quận 1), Tuổi Xanh (quận 4), đội kịch - rối One - Two - Three (Tân Bình), đội múa rối Búp Bê (quận 11), đội Tò Tí Te (quận 7), nhóm Cá Cơm Con (huyện Nhà Bè)… Nhưng gần đây các đội rối hoạt động cầm chừng, èo uột và dần vắng bóng. Nhà Thiếu nhi quận 11, quận 7 dẹp luôn, không đầu tư nữa. Nhà hát múa rối Tre Việt ở đường Phạm Ngọc Thạch cũng đóng cửa. Hiện nay, tại TPHCM có 4 điểm diễn nhưng không thường xuyên và chủ yếu phục vụ du lịch: Múa rối nước thành phố ở Bảo tàng Lịch sử và Sân khấu Rồng Vàng. Sân khấu rối nước Sài Gòn ra đời gần đây thì chưa có điểm diễn cụ thể. Sân khấu rối nước ở khu Thảo Điền diễn không thường xuyên.

Chức năng đầu tiên của sân khấu rối là biểu diễn phục vụ cho trẻ em. Nhưng hiện nay múa rối không được giới thiệu nhiều đến trường học. Mảng sân khấu này hoàn toàn bị bỏ trống. Làm cho trẻ em phải hấp dẫn, thu hút nhưng con rối bây giờ chưa đẹp. Tiết mục đã đơn điệu, âm thanh lại không hay… Kể cả đạo diễn, kịch bản hay cho sân khấu rối cũng còn rất thiếu.

Nhu cầu xem kịch cộng đồng

Trong khuôn khổ chủ đề khóa tu kỳ thường kỳ của chùa Quan âm Ni tự tại quận Bình Thạnh, hơn 150 em thiếu nhi được xem vở kịch Đôi bạn do đội kịch - rối One-Two-Three biểu diễn. Dù các diễn viên thoại không cần đến micro, các em vẫn chăm chú lắng nghe. Câu chuyện kể về một cô học trò nhà nghèo nhưng học rất giỏi tên Mai. Khi đến trường, Mai hay bị các bạn bắt nạt. May mắn Mai được một bạn học giúp đỡ, bảo vệ. Khi cô giáo biết chuyện đã kể cho các bạn học trò chuyên bắt nạt biết hoàn cảnh đáng thương của Mai khiến các bạn không ăn hiếp Mai nữa. Em Lê Thị Thanh Ngân (Trường Tiểu học Lam Sơn, quận Bình Thạnh) cho biết, tình huống trong vở kịch giống ở trường em: “Ở lớp cũng có nhiều bạn học sinh bị bắt nạt, bị lấy tiền ăn sáng, đồ dùng học tập. Qua vở kịch, em thấy rằng ai ăn hiếp bạn thì sẽ không nhận được những điều tốt”.

Trước đó, đội kịch - rối One -Two-Three cũng biểu diễn tại chùa này với vở kịch bạo lực học đường Nẻo về. Một cô giáo đã chia sẻ: “Chúng tôi dạy môn giáo dục công dân cho các em nửa năm nhưng không bằng một giờ cho các em xem các vở kịch như thế này”.

Trước đây, sân khấu kịch Hồng Vân cũng đã ra mắt chương trình sân khấu kết nối cộng đồng hướng vào các trường tiểu học, trung học trên địa bàn TPHCM và các tỉnh thành trong cả nước, thu hút sự quan tâm của mọi người. Sân khấu thiếu nhi Lê Hay với chương trình “Diễn kịch tận nơi” sẵn sàng diễn ở trường học hoặc bất cứ địa điểm nào. Đạo diễn Hoàng Duẩn cũng từng đưa sân khấu cộng đồng “Tiếng nói trẻ thơ” vào mái ấm nhà mở, sân trường, bệnh viện, làng phong, hải đảo… rất nhiều lần và nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ các em thiếu nhi. Tuy nhiên, các chương trình đó mới chỉ đáp ứng phần nào, khán giả thiếu nhi vẫn rất “khát” một sân khấu dành cho riêng mình.

“Nếu như không có nhu cầu về sân khấu cộng đồng thì không có lý do gì một ngôi chùa như Quan âm Ni tự lại tự tổ chức và mời diễn viên về diễn cho thiếu nhi xem. Ở Việt Nam hiện nay, dường như người ta bỏ quên mảng này. Sân khấu cộng đồng không phải chỉ ở một chỗ để diễn mà đó là một nhà hát lưu động đến với các trường học, đến công viên, đến các ngóc ngách của cộng đồng để phục vụ cho đa số công chúng chứ không phải rào lại bán 30- 50 vé để lấy doanh thu”, Đạo diễn Hoàng Duẩn khẳng định nhu cầu rất lớn về sân khấu cộng đồng.

VÕ THẮM

Tin cùng chuyên mục