Bút ký

Trong vòng tay thiên nhiên

1.
Trong vòng tay thiên nhiên

1.

… “Thời gian trôi đi, mọi sự trôi đi, chỉ còn lại mùi hương vĩnh cửu” - “slogan” của tiểu thuyết Perfume (và được chuyển thành bộ phim cùng tên). Cái tinh chất của mọi vật quyện lại trong mùi hương, theo cảm quan triết lý trong Perfume. Mùi hương trở thành sứ giả vượt khỏi ranh giới của hư vô. Tôi đã nhớ đến slogan ấy, khi một lần đặt chân đến một vùng sông nước đặc biệt. Tôi và bạn bè gọi cuộc đi này là hành-trình-đặt-tên. Hành trình để hiểu văn hóa của hương liệu. Ồ, hay thật.

Không xa Sài Gòn, chỉ ngoài trăm cây số để có thể vào ngày nghỉ cuối tuần làm một chuyến đi. Đến Tân An (Long An) rồi rẽ phải trên đường đi hướng về Mộc Hóa, đi khoảng 60km gặp bến đò, dừng lại. Xuống đò đi 20 phút là đến với “Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn dược liệu Đồng Tháp” (Remedica – Imexpharm), thuộc xã Bình Phong Lợi, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An.

Làn gió mát rượi quyện vào hơi nước từ mặt sông bốc lên. Cơ duyên cho chúng tôi cùng đi với một nhóm sinh viên y khoa Pháp. Trên chiếc tắc ráng bằng composit, mà người dân tại chỗ gọi là “chiếc Dream của sông nước”, chúng tôi đang đến với khu rừng tràm gió nguyên sinh duy nhất tại Việt Nam. Tràm gió chứ không phải tràm cừ mà chúng ta quen gặp trong xây dựng.

2.

Đón chúng tôi khi cập bến là dược sĩ Nguyễn Văn Bé, Giám đốc Remedica, được biết đến với danh xưng rất dân dã là “ông Ba đất phèn”.

Khu rừng tràm gió nhìn ngút ngàn, bao la những 800ha. Tràm “cajeput”, theo cách gọi của người Đức – nơi xa xôi châu Âu ấy có sản phẩm hương liệu bày bán trên thị trường quốc tế, hít vào thật sảng khoái. Hóa ra là nguyên liệu được lấy từ rừng tràm gió nơi đây! Thật lý thú. Nhiều người không hình dung là ở giữa đồng bằng lại có rừng nguyên sinh giữa vùng trũng nước.

Ông Ba gọi “Đây là món quà quý giá nhất mà thiên nhiên ban tặng”. Trông “ông Ba đất phèn” không khác gì một nông dân. Hôm chúng tôi đến, ông Ba đang dẫn mấy cô cậu trẻ người Pháp, từ Đại học Y khoa Paris, tham quan vườn dược liệu và hương liệu. Ông mặc quần soọc, màu áo xám, nước da sạm nắng.

Ông bay đi nhiều nước Á, Âu, Mỹ để rong ruổi tìm hiểu thị trường, để trao đổi với đối tác. Vừa buông khỏi những cuộc làm việc hợp đồng sang trọng, ông Ba lại quần soọc mặc vào, lúc thì lặn vô rừng lúc thức trắng trong phòng thí nghiệm. Công việc của ông không tính được bằng giờ.

Chăm sóc nâng niu, ông Ba theo dõi từng thời điểm một trong ngày, lúc nào cây cho tinh dầu nhiều nhất, hoa lúc nào cho mùi thơm ngào ngạt nhất. Nơi đây, hiện có hàng trăm loại tinh dầu, gồm cả dược phẩm chữa bệnh và tinh dầu làm nước hoa cao cấp cho một số hãng danh tiếng của châu Âu.

Nói cách nào đó, số phận đã gõ cửa để “khai thị” cho ông hiểu được quyền năng của cỏ, của cây. Tốt nghiệp Đại học Y Dược TPHCM, ban đầu dược sĩ Bé không hề tin gì vào điều huyền diệu trong gìn giữ sức khỏe của cây cỏ thiên nhiên, ông cho đó là “chữa bệnh lang băm”.

Nhưng khi chứng kiến những tác dụng chữa bệnh thần kỳ của loại thuốc trị rắn độc cắn, nạn nhân sắp chết đến nơi mà chỉ cạy miệng bỏ thuốc giải vào là sống được. Thuốc được lấy từ cây cỏ của trời đất. Từ đó, ông từ bỏ tất cả để tìm hiểu những “bí ẩn” của thiên nhiên. Dược sĩ Bé vào rừng, trở thành… “ông Ba đất phèn”.

Trên một phần tư thế kỷ gắn đời mình trong vùng sâu nước phèn, rời đô thị Sài Gòn đầu những năm 1980, ông tìm tới vùng đất hoang vu Mộc Hóa (Long An) để nghiên cứu cây tràm gió Long An. Hiện nay, nơi này đã trở thành khu bảo tồn, ngoài 800ha rừng tràm gió còn có 21 loài thực vật bậc cao và gần như đầy đủ hệ động vật đặc trưng của Đồng Tháp Mười nguyên bản như cò, diệc, giang sen, cồng cộc, sếu...

Cách đây trên 20 năm, thiên nhiên đã ban cho vùng trũng nơi đây những 7.000ha tràm gió. Thời đó, cây tràm gió chưa được nhiều người nhận ra giá trị tuyệt vời, lại rơi đúng vào cao trào phát động “khai hoang”, ai… phá hủy, đốn ngã tràm gió được càng nhiều thì càng có thành tích, càng được khen thưởng! Lẽ ra mất hẳn, không còn sót lại 800ha như hôm nay “có được hộ khẩu trên đời” nếu không có ông Ba tìm cách “lách”, chấp nhận bị phê bình rát mặt. Ngày đó, ông Ba đã dám đi ngược một trào lưu ồ ạt, dám lội ngược dòng!

3.

…Dọc ngang cơ man là những kênh rạch trong khu rừng, kênh rạch tự tạo, nối nhau thành mạng “huyết quản”, tổng cộng khoảng 4,5km. Ông Ba cho biết, nơi đây hình thành một “Vạn lý trường thành” để bảo bọc báu vật tràm gió - một bức thành không bằng đá gạch mà bằng… cây nối cây, cùng với hệ thống tháp canh.

Giữa rừng có một hồ nước rộng mênh mông đến 100ha, tạo nên một không gian sảng khoái của nước, của gió hòa quyện với nhau. Chúng tôi trông thấy ngôi Trường Tiểu học Hương Tràm khang trang. Té ra đây là trường vừa khánh thành, xây bằng tiền của khu bảo tồn Remedica cùng với một số “Mạnh Thường Quân” góp lại để trả nghĩa đối với người nông dân, cùng nhau chăm sóc thế hệ con cái nhà nông.

Căn phòng nằm nghỉ của chúng tôi có một mùi hương không tìm thấy ở nơi khác. Nhẹ nhàng, sảng khoái. Đó là hương liệu do Remedica tự chế, có tính chất tổng hợp, thành phần hương liệu ra sao còn… trong vòng bí mật. Không chỉ thế, còn cả hàng loạt hương liệu khác, đến cả trăm mùi. Du khách mang trong mình những nỗi lo toan đến đây như được tháo gỡ, quên đi, được xả stress.

“Tôi đã có những phác đồ điều trị chỉ bằng hương liệu, không uống thuốc”, ông Ba nói khi đưa chúng tôi vào tham quan laboratoire. Ngoài tràm gió, ở Remedica còn có một khoảnh rừng “Tràm Úc” rất lạ - thân cây là thân tràm nhưng “lá” thì lơi lả những “sợi” tựa như thông, theo cơn gió thoảng.

Ngồi trong khu tràm Úc, không gian tươi mát, trong khi bên ngoài rừng trời nắng chang chang. Đi một chút, gặp vườn cây. Không phải dược liệu để hái cây, lá, đem phơi khô làm thuốc. Mà lá ấy, cây ấy được qua một quy trình chế biến để cho ra tinh dầu hương liệu! Thủy xương bồ, cây nhàu, rau ôm, húng quế, rau má… rất đỗi thân quen, trải mình ra như tấm mền xanh bao la, mềm mại.

…Cái “hồn” của khu rừng của Remedica là tràm gió - tặng phẩm tuyệt vời đem lại sức sống sảng khoái cho con người. Rồi những búp sen đựng lấy những sợi trà, hứng sương đêm, đến sáng đem đổ vào ấm nước nóng pha trà, thật thơm nồng, ngòn ngọt mà thanh tao. Rồi lá sen non đi vào món ăn, thay cho bánh tráng để cuốn lấy cá lóc nướng. Rồi những con ong vò vẽ hiếm có, nhưng vẫn còn tồn tại nơi rừng tràm gió, cũng “hóa thân” thành tô cháo ăn ngọt và thơm kỳ lạ.

Thật thú vị cho một lần đến với khu rừng tràm như thế, trong vòng tay thiên nhiên, hào phóng và phong lưu.

Bửu Toàn - Vĩnh Khang

Tin cùng chuyên mục