Trụ cột kinh tế Nhật Bản

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa qua đã đề xuất sáng kiến khá thú vị: năm 2020, thời điểm Thế vận hội mùa hè diễn ra tại Tokyo, nước này có thể tổ chức song song một thế vận hội dành riêng cho robot. Theo ông Abe, người máy từ các nước trên thế giới sẽ quần tụ tại Nhật Bản để cạnh tranh về kỹ năng kỹ thuật.

Ý tưởng về một cuộc tranh tài của robot không chỉ giúp thu hút thêm sự quan tâm dành cho Thế vận hội mùa hè mà còn được xem là dịp để Tokyo quảng bá công nghệ robot tiên tiến của xứ Phù Tang. Đây là ngành công nghiệp đã được Chính phủ Nhật Bản xác định là “trụ cột trong chiến lược phát triển kinh tế” nước này. Thủ tướng Abe đang lên kế hoạch thành lập một hội đồng thực hiện cuộc “cách mạng robot” và hy vọng các chính sách mới sẽ giúp quy mô ngành công nghiệp robot (hiện trị giá hơn 23 tỷ USD) tăng gấp 3 lần vào năm 2020.

Trong bối cảnh Nhật Bản đang vật lộn với tình trạng dân số già, thiếu hụt lao động, sử dụng robot là một trong các giải pháp được tính đến. Tại nhiều nhà máy của Nhật Bản, robot thực hiện tới 80% thao tác sản xuất. Phạm vi sử dụng robot cũng đang được mở rộng không chỉ giới hạn trong các nhà máy công nghiệp mà người máy còn đang được sử dụng trong không gian, trong phẫu thuật, trong các công việc độc hại và nguy hiểm. Chưa kể đến các robot làm việc nhà như hút bụi, làm vườn, robot trong ngành giải trí như ca sĩ, diễn viên. Mới nhất, một công ty của Nhật Bản cho ra mắt robot dẫn chương trình truyền hình như người thật. Theo tính toán của Tokyo, thị trường robot sẽ gia tăng nhiều nhất (gấp 20 lần) trong lĩnh vực dịch vụ, bao gồm bảo vệ sức khỏe và chăm sóc người già, người bệnh.

Hiện ở Nhật Bản có khoảng 50.000 người trên 100 tuổi và số người cao tuổi tại nước này đang tiếp tục tăng, kéo theo sự gia tăng nhu cầu về chăm sóc đặc biệt. Tìm người chăm sóc cho người cao tuổi và bệnh nhân phải nằm bất động là một vấn đề khá nan giải vì không nhiều người lựa chọn công việc này dù được trả lương khá cao. Đa số y tá, y, hộ lý, điều dưỡng viên chăm sóc người bệnh và người già trong các nhà dưỡng lão, là người nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc và Philippines. Nhập cư luôn là vấn đề nhạy cảm tại Nhật Bản bởi người dân nước này luôn quan ngại nhập cư ồ ạt sẽ làm tăng tỷ lệ tội phạm, đồng thời tước đoạt cơ hội việc làm của họ. Song, để phát triển kinh tế lâu dài, Nhật Bản rất cần nguồn nhân lực trên. Tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Abe đã tuyên bố xem xét nới lỏng chính sách nhập cư của Nhật Bản, chấp nhận lao động nhập cư nhiều hơn. Cũng vì quá thiếu người nên các chuyên gia đang tích cực phát triển những thiết bị công nghệ cao để giảm nhẹ việc chăm sóc bệnh nhân và người cao tuổi, trong đó một số thiết bị thậm chí có thể thay thế con người. Robot dường như là giải pháp cho bài toán hóc búa nhân lực và nhập cư.

Tuy nhiên, giới quan sát cũng lưu ý rằng việc đưa robot vào phục vụ các ngành không đem lại nhiều lợi nhuận trong khi chi phí đắt đỏ cho robot sẽ không đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp. Theo logic kinh tế, chỉ nên mua người máy để thay thế một người thực hiện các công việc nguy hiểm với mức lương cao. Vì vậy, robot thay thế lao động nhập cư có lẽ chưa thể xảy ra trong tương lai gần.

VĂN ĐỖ

Tin cùng chuyên mục