Trục can thiệp

Hàng loạt cuộc xung đột, chiến tranh trên thế giới những năm gần đây cho thấy có vẻ đang hình thành một lực lượng mới trong ngoại giao mà John Feffer, Giám đốc Tiêu điểm chính sách ngoại giao tại Trung tâm quan hệ quốc tế (Mỹ), gọi là “trục can thiệp”.

Các quốc gia mà John Feffer nêu lên trong “trục can thiệp” là Mỹ, Israel, Ethiopia. Đường lối chính sách ngoại giao của những quốc gia này cho thấy việc sử dụng vũ lực quân sự được xem là một công cụ đắc lực để can thiệp vào một số quốc gia
.   
Năm năm cầm quyền của chính quyền Tổng thống Mỹ Bush vừa qua đã xảy ra hai cuộc chiến tranh do Mỹ phát động, tấn công vào Afghanistan và Iraq.

Với hai cuộc chiến này, Mỹ đã thiết lập một tiền lệ nguy hiểm trong các vấn đề quốc tế về can thiệp quân sự. Kết quả của hai cuộc chiến này là Mỹ đã giới thiệu khái niệm về một “cuộc chiến tranh không có hồi kết thúc”. Mỹ đang phải chiến đấu với một lực lượng khủng bố ngày càng lớn mạnh.

Israel cũng đã áp dụng những chính sách như Mỹ. Nước này đã đưa quân vào Lebanon và Dải Gaza của Palestine những tháng qua với mục tiêu tiêu diệt các tổ chức bán quân sự như Hezbollah, Hamas; đồng thời lật đổ các chính phủ láng giềng mà Israel không thấy có lợi.

Lý do để giải cứu vài binh sĩ chỉ là cái cớ để Israel phát động chiến tranh trong nỗ lực ngăn ngừa những cuộc tấn công trong tương lai của các tổ chức vũ trang từ các nước láng giềng. Kết quả, sự thù địch đối với Israel càng tăng. John Feffer cho rằng nếu Israel không bắt đầu có các cuộc thảo luận nghiêm túc, cuộc chiến không bao giờ kết thúc của họ sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát.

Ethiopia đưa quân vào Somalia ngày 20-7 với lý do giúp đỡ chính phủ yếu kém ở Somalia chống đỡ với Islamic Courts, một phong trào vũ trang Hồi giáo có quân đội riêng ở Somalia.

Nhưng sự can thiệp này cũng nhằm vào nước láng giềng có thâm thù là Eritrea mà Ethiopia cáo buộc là hỗ trợ cho Islamic Courts. Kết quả, Islamic Courts ngày càng cực đoan hơn và nhận được sự ủng hộ lớn hơn ở Somalia.

Điều đáng lo ngại là một số nước trong “trục can thiệp” không chỉ sử dụng quân sự tấn công các quốc gia có chủ quyền, mà còn ngang nhiên thách thức cả các tổ chức luật pháp quốc tế.

Việc Israel tấn công thẳng vào đoàn xe của Hội chữ thập đỏ và cơ quan của LHQ ở Nam Lebanon vừa qua là những ví dụ rõ ràng nhất. Bằng việc viện đến lực lượng quân sự và phớt lờ cộng đồng quốc tế, cả Israel và Mỹ đã phá vỡ những thỏa thuận toàn cầu như Hiệp ước Geneva.

Trong thế giới toàn cầu, những quốc gia thuộc “trục can thiệp” cũng như những tổ chức cực đoan như Al Qaeda, Islamic Courts sẽ không ai chịu nhường ai. Và hòa bình thế giới luôn đứng trước sự bấp bênh.

HOÀI ANH (Theo AsiaWeek)

Tin cùng chuyên mục