Trưng bày “Bảo vật hoàng cung - Kim ấn và kim sách thời Nguyễn" tại TP Huế

Khai mạc Liên hoan Âm nhạc khu vực Bắc miền Trung 2016
Trưng bày “Bảo vật hoàng cung - Kim ấn và kim sách thời Nguyễn" tại TP Huế

* Khai mạc Liên hoan Âm nhạc khu vực Bắc miền Trung 2016

(SGGPO).- Sáng 23-4, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã khai mạc trưng bày “Bảo vật hoàng cung - Kim ấn và kim sách thời Nguyễn” tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, giới thiệu đến công chúng 1 kim ấn và 2 kim sách bằng vàng ròng cùng 1 kim sách bằng bạc mạ vàng.

Trong đó, kim ấn bằng vàng ròng có trọng lượng 8.999 gram, tương đương hơn 200 lượng vàng. Ấn này được chế tác vào năm Minh Mạng thứ 10 (năm 1827) để dùng đóng trên cáo văn bản khuyến giáo dân chúng hoặc sắc bằng khen tặng các nhân vật hiếu hạnh, tiết nghĩa.

Sách bằng vàng ròng có trọng lượng 4.529 gram, tấu việc lên ngôi của Hoàng đế Thiệu Trị.

Trong 2 kim sách bằng vàng ròng, một cuốn có trọng lượng 1.371 gram, được chế tác vào năm Gia Long thứ 5 (1806), có nội dung Hoàng đế Gia Long truy tôn Thụy hiệu Hiếu Văn Hoàng Đế, miếu hiệu Hi Tông (tức Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên). Cuốn sách bằng vàng ròng còn lại nặng 4.529 gram, là sách của triều đình tấu về việc lên ngôi của Hoàng tử trưởng Trường Khánh Công, tức Hoàng đế Thiệu Trị.

Kim sách bằng bạc mạ vàng có trọng lượng 1.349 gram, nội dung nói về việc Hoàng đế Minh Mạng phong tước Trường Khánh Công cho Hoàng tử Miên Tông (sau này là Hoàng đế Thiệu Trị).

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, kim ấn (hay còn gọi là kim bảo tỷ) biểu thị cho quyền lực tối cao của Hoàng đế và của cả triều đại, gắn liền với những sự kiện trọng đại của đất nước dưới thời Nguyễn. Còn kim sách là một loại thư tịch cổ đặc biệt, ghi lại những sự kiện trọng đại của triều đình dành cho Hoàng đế hoặc Hoàng hậu.

Năm 1945, khi triều Nguyễn kết thúc vai trò của mình trong lịch sử, hầu hết các kim ấn, kim sách được di chuyển ra Hà Nội để đảm bảo an toàn tối đa trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt. Đây là lần đầu tiên kim ấn và kim sách triều Nguyễn được đưa về cố cung, qua đó đã khẳng định những giá trị của di sản Huế xưa mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. 

Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại lễ khai mạc Liên hoan Âm nhạc khu vực Bắc miền Trung 2016.

Trong sáng 23-4, Liên hoan Âm nhạc khu vực Bắc miền Trung 2016 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức đã khai mạc tại TP Huế. 

Liên hoan quy tụ các nhạc sĩ, nghệ sĩ, ca sĩ đến từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Ngoài ra, còn có sự tham gia của các Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam TPHCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Gia Lai, Cần Thơ, Chi hội Công an. Theo ban tổ chức, liên hoan diễn ra trong 2 ngày 23 và 24-4 không chỉ là nơi gặp gỡ, giao lưu, trao đổi mà còn là dịp biểu dương, tôn vinh những tài năng sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục