Trưng cầu dân ý, Crimea vẫn căng thẳng

Không phát hiện sai phạm
Trưng cầu dân ý, Crimea vẫn căng thẳng

Ngày 16-3, hơn 1,5 triệu người dân Crimea bỏ phiếu trưng cầu dân ý việc nước cộng hòa tự trị này có thành một phần của Nga hay không. Cuộc bỏ phiếu bắt đầu từ 8 giờ (giờ địa phương, 13 giờ Việt Nam) và kết thúc lúc 20 giờ (giờ địa phương, khoảng 1 giờ sáng ngày 17-3 giờ Việt Nam). Dự kiến, kết quả sơ bộ sẽ được công bố vài giờ sau khi kết thúc bỏ phiếu. Kết quả cuối cùng sẽ có trong ngày 17-3. 

Người dân Crimea đi bỏ phiếu.

Người dân Crimea đi bỏ phiếu.

Không phát hiện sai phạm

Tính đến 15 giờ (giờ địa phương), theo đại diện quan sát viên Nga tại Crimea, ông Sergei Markov, thì tỷ lệ đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý đạt mức trên 64%. Ông dự đoán tỷ lệ này sẽ đạt mức cao kỷ lục kể từ khi Ukraine tách ra độc lập khỏi Liên Xô, bởi tính từ thời điểm thống kê nói trên thì người dân bán đảo này vẫn còn vài tiếng đồng hồ nữa để đi bỏ phiếu.

Hơn 1.200 điểm bỏ phiếu đã được thu xếp và khoảng 2 triệu phiếu bầu đã được in sẵn. Tại thành phố Sevastopol, nằm trên bán đảo Crimea nhưng là đơn vị hành chính trực thuộc trung ương,  có tới 192 điểm bỏ phiếu với 305.000 cử tri tham gia. Những người tham gia cuộc trưng cầu ý dân trả lời 2 câu hỏi: 1. Bạn có tán thành việc Crimea sáp nhập vào Nga với tư cách là một chủ thể của Nga hay không? Thứ 2: Bạn có ủng hộ việc khôi phục Hiến pháp năm 1992 và duy trì quy chế Crimea trong thành phần Ukraine hay không?

Sau khi thị sát quá trình chuẩn bị cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea, các đại biểu Nghị viện châu Âu và các quan sát viên quốc tế nêu rõ họ không phát hiện những sai phạm nào tại các điểm bỏ phiếu ở Crimea. Phái đoàn quan sát quốc tế “Viện châu Âu về giám sát dân chủ và bầu cử” gồm 30 thành viên của một loạt nước châu Âu cũng khẳng định rằng sự chuẩn bị cho cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea là phù hợp với luật pháp nước cộng hòa tự trị này và các tiêu chuẩn quốc tế.

Tại Simferopol, giới chức đã bắt giữ một số kẻ lợi dụng vỏ bọc của cảnh sát để lấy cắp hộ chiếu mà nhà chức trách cấp cho một số công dân trong trường hợp không có thẻ căn cước để tham gia bầu cử. Hành vi gian lận tương tự cũng xuất hiện tại thị trấn Saky ở phía Tây bán đảo Crimea. Nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc tới từ phía Tây Ukraine đã cố gắng đột nhập vào khu tự trị để tổ chức các cuộc biểu tình chống lại sự độc lập của Crimea. Họ hô vang các câu khẩu hiệu kêu gọi người dân không bỏ phiếu. Bên cạnh đó, nhiều cuộc biểu tình ủng hộ Nga đã diễn ra tại khu vực phía Đông Ukraine và Crimea. Người dân tại các thành phố Simferopol, Odessa, Kharkov, Donetsk, Lugansk… đã xuống đường ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý tại Ukraine.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Ihor Tenyukh cho biết, Ukraine và Nga đã đi đến thỏa thuận đình chiến trên bán đảo tự trị Crimea cho tới ngày 21-3.

Đề xuất của Trung Quốc

Sau khi Nga phủ quyết bản dự thảo nghị quyết được 13 nước thành viên trong Hội đồng Bảo an ủng hộ, đại diện thường trực của Nga tại LHQ Vitaly Churkin khẳng định việc Crimea tồn tại trong thành phần Ukraine là không thể do khoảng trống pháp lý đã hình thành trong cuộc đảo chính vũ trang ở Kiev mới đây.

Trong khi đó, phát biểu tại phiên họp HĐBA LHQ, đại diện thường trực của Anh và Pháp tại LHQ lên tiếng phản đối Nga, cho rằng việc Nga quyết định bỏ phiếu chống lại nghị quyết của HĐBA LHQ phản đối cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea sẽ dẫn đến việc Mátxcơva bị cô lập trong HĐBA cũng như trong cộng đồng quốc tế. Đại diện thường trực của Anh tại LHQ Mark Lyall Grant cho biết “những người ủng hộ chính quyền Ukraine trong HĐBA LHQ sẽ đưa ra những dự thảo nghị quyết mới về tình hình Ukraine nếu Nga không dừng các hành động của mình tại Crimea”. Ông cũng khẳng định, vào tuần tới, Đại hội đồng LHQ có thể họp để thảo luận về tình hình Ukraine.  Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Ukraine tại LHQ Yuri Sergeiev cho biết ông đang thảo luận với các nhóm khu vực và không loại trừ khả năng sẽ đưa vấn đề Nga can thiệp vào Ukraine ra thảo luận tại Đại hội đồng LHQ.

Mặc dù đứng ở vị trí trung lập trong phiên họp khẩn cấp của HĐBA LHQ, song Trung Quốc đã đưa ra một đề xuất gồm 3 điểm nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng vấn đề then chốt trong việc giải quyết khủng hoảng hiện nay tại Ukraine là xử lý các bất đồng thông qua đối thoại và thương lượng. Đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ Lưu Kết Nhất tuyên bố 3 điểm mà Trung Quốc đề xuất bao gồm: Sớm thiết lập một cơ chế phối hợp quốc tế bao gồm tất cả các bên liên quan nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine; tất cả các bên cần tránh bất kỳ hành động đơn phương có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng; các thể chế tài chính quốc tế nên xem xét cách thức giúp Ukraine duy trì sự ổn định kinh tế và tài chính.

Trong khi đó, Chỉ huy tàu khu trục mang theo tên lửa dẫn đường USS Truxtun của Mỹ, Andrew Biehn, cho biết, tàu này sẽ tham gia nhiều cuộc tập trận với các tàu của đồng minh tại biển Đen. Cùng ngày, Phó đô đốc Mỹ John Kirbi cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Pháp đã điện đàm thỏa thuận phối hợp với nhau trong việc xem xét lại các chương trình hợp tác quân sự với Nga do tình hình xung quanh Ukraine.

* Russia Today ngày 16-3 đưa tin, nhóm hacker mang tên Cyberberkut nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công vào Ddos (từ chối dịch vụ) vào 3 trang web của NATO. Nhóm hacker tuyên bố lý do thực hiện vụ tấn công xuất phát từ việc NATO gây ra tình hình rối loạn tại Ukraine hiện nay. Nữ phát ngôn viên NATO, Oana Lungescu cho biết vụ rấn công không gây ảnh hưởng tới các chiến dịch quân sự của liên minh quân sự này. Các chuyên gia của NATO đang làm việc để khôi phục hoạt động bình thường của các trang web.


* Để tăng cường an ninh, khoảng 10.000 binh lính Crimea đã lập thành các đội tự vệ. Hơn 5.000 cảnh sát sẵn sàng làm nhiệm vụ để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra suôn sẻ. 135 quan sát viên đến từ 23 quốc gia để giám sát cuộc trưng cầu dân ý. Các thành viên của Liên minh châu Âu, Nghị viện châu Âu, các chuyên gia luật pháp quốc tế, các nhà hoạt động nhân quyền cùng 1.240 quan sát viên địa phương theo dõi hoạt động bỏ phiếu tại các địa điểm trên toàn Crimea. 623 nhà báo từ 169 hãng truyền thông quốc tế cũng tới Crimea để đưa tin. Một trung tâm báo chí mở được đặt tại thành phố Simferopol. Nơi đây cập nhật thông tin thường xuyên về quá trình trưng cầu dân ý và kết quả kiểm phiếu.

THANH HẰNG (tổng hợp)

- Dân Nga ủng hộ quyết định trưng cầu dân ý của Crimea

Tin cùng chuyên mục