Trung Đông: Kỳ vọng đột phá mới?

Chỉ vài ngày sau khi Nga bất ngờ công bố việc rút quân khỏi Syria, ngày 17-3 (giờ địa phương), những khu vực người Kurd kiểm soát ở miền Bắc Syria tuyên bố thành lập khu vực liên bang. Động thái này không những làm phức tạp cuộc đàm phán hòa bình cho Syria đang diễn ra ở TP Geneva (Thụy Sĩ) mà còn có nguy cơ khiến cục diện tại Trung Đông có nhiều thay đổi đáng kể.
Trung Đông: Kỳ vọng đột phá mới?

Chỉ vài ngày sau khi Nga bất ngờ công bố việc rút quân khỏi Syria, ngày 17-3 (giờ địa phương), những khu vực người Kurd kiểm soát ở miền Bắc Syria tuyên bố thành lập khu vực liên bang. Động thái này không những làm phức tạp cuộc đàm phán hòa bình cho Syria đang diễn ra ở TP Geneva (Thụy Sĩ) mà còn có nguy cơ khiến cục diện tại Trung Đông có nhiều thay đổi đáng kể.

Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại

Sau khi bị loại khỏi vòng đàm phán mới, đang diễn ra từ ngày 14-3, về cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm qua ở Syria, người Kurd lập tức loan báo kế hoạch kết hợp 3 khu vực do họ kiểm soát ở miền Bắc Syria thành một khu vực duy nhất theo thể chế liên bang.

Đáp trả, hãng tin Reuters cho biết, đại diện thường trực Syria tại Liên hiệp quốc, đồng thời là trưởng đoàn đàm phán hòa bình của Chính phủ Syria Bashar Bashar al Jaafari ngay lập tức loại trừ khả năng bàn về ý tưởng liên bang hóa Syria, đồng thời bác bỏ việc thương thảo trực tiếp với phe đối lập chính. Mỹ cũng cho biết, không chấp nhận để người Kurd thành lập khu vực tự trị nếu Chính phủ Syria không đồng ý.

Còn với giới quan sát, một động thái như thế sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ, nước láng giềng của Syria, lo ngại. Bởi, sự lớn mạnh của cộng đồng người Kurd ở Syria sẽ thúc đẩy cộng đồng người Kurd thiểu số ở Thổ Nhĩ Kỳ đòi ly khai.

Ngày 17-3, đặc phái viên Liên hiệp quốc về Syria, ông Staffan de Mistura cho biết, các cuộc đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận thành lập một chính phủ lâm thời ở Syria, dự thảo hiến pháp mới và tổ chức tổng tuyển cử trong vòng 18 tháng đang tiến triển. Tuy nhiên, ông Mistura thừa nhận rằng, có những khoảng cách lớn giữa các bên, nhưng kỳ vọng những diễn biến trên thực địa, bao gồm việc rút quân của Nga, có thể giúp tạo đột phá. Quyết định rút quân khỏi Syria của Nga có thể là đòn tâm lý khiến hai phe ở Syria nghiêm túc đàm phán.

Nước cờ rút quân

Giới quan sát nhận định, việc Nga bất ngờ rút quân khỏi Syria sẽ mang tới nhiều thay đổi ở khu vực Trung Đông.

Thủ đô Damascus những ngày chờ đợi kết quả cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra

Sau những tháng can thiệp quân sự quyết liệt, Nga đã “cắm” được 2 căn cứ quân sự then chốt nằm ở khu vực duyên hải Tây Bắc Syria - cửa ngõ duy nhất của nước này với biển Địa Trung Hải. Nga không những khẳng định chỗ đứng của mình ở Syria bất kỳ dưới chế độ nào, mà còn thể hiện sự hiện diện của sức mạnh Nga ở phần phía Đông Địa Trung Hải. Nếu như tiếp tục ở lại Syria, lợi ích của Nga không còn mang tính chất đột phá như trước. Rút quân khỏi Syria, sau khi khẳng định vai trò ngang hàng với Mỹ và mang Mátxcơva trở lại là yếu tố ảnh hưởng lớn tại Trung Đông trong việc bảo trợ các vấn đề ở khu vực này. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa Nga từ vị thế đối đầu về chính trị với Mỹ - Arab tại Syria trở thành đối tác tương đồng lợi ích.

Ngày 17-3, điện Kremlin đã bày tỏ hài lòng về cách Mỹ phối hợp với Nga trong việc đảm bảo một sự dàn xếp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria. Từ đó, Nga có điều kiện để thật sự tham gia cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq.

Chủ tịch Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Sergei Naryshkin, ngày 16-3, khẳng định, Nga tiếp tục tấn công các nhóm khủng bố tại Syria, báo trước tình cảnh điêu tàn của IS tại Syria và Iraq. Được như vậy, Nga sẽ có môi trường thuận lợi hơn để cải thiện quan hệ với khối Arab, trước hết là Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh. Khi cuộc nội chiến Syria có lối thoát, làn sóng di cư sẽ được chặn lại, quan hệ giữa Nga với phương Tây có hy vọng để giảm căng thẳng.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục