Các tỉnh, thành phố như Quảng Đông, Thượng Hải, Thẩm Quyến đã lần lượt phát hành trái phiếu, một bước đi nằm trong chương trình thí điểm của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn lặp lại bóng ma nợ công địa phương đang đe dọa nền kinh tế Trung Quốc.
Nỗi lo nợ công, sản xuất giảm sút
Theo Reuters, cuối năm 2010, tổng nợ công địa phương ở Trung Quốc là 10.700 tỷ nhân dân tệ (hơn 1.500 tỷ USD). Chính phủ Trung Quốc hy vọng con số trên của năm 2011 vào khoảng 3.500 tỷ NDT. Tuy nhiên, công ty xếp hạng tín dụng quốc tế Standard & Poor’s (Mỹ) tính toán nợ công địa phương Trung Quốc vào khoảng 9.000 tỷ NDT, làm dấy lên nỗi lo nền kinh tế thứ 2 thế giới đứng trước nguy cơ vỡ nợ, tác động tiêu cực đến hệ thống ngân hàng của nước này. Nhà chức trách của Trung Quốc đã phải lên tiếng trấn an các nhà đầu tư nhiều lần rằng nợ công địa phương của nước này vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Trong khi đó, Ngân hàng HSBC đã khiến các thị trường trên toàn thế giới hoang mang khi công bố chỉ số PMI (chỉ số quản lý thu mua) của Trung Quốc trong tháng 11-2011 trượt qua mốc 50 (ngưỡng phân biệt giữa tăng và giảm) xuống 48,1. Đáng lo ngại nhất, ngành sản xuất dường như đang giảm sút do sự yếu kém của nhu cầu nội địa chứ không phải do xuất khẩu.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng sự sụt giảm đột ngột của PMI chỉ là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang đi xuống từng tháng. Trước đó, thị trường đã tiếp nhận một loạt tin không mấy khả quan như bất động sản rớt giá, lượng xe hơi bán ra giảm mạnh... Bánh xe của nền kinh tế Trung Quốc đang trượt khỏi đường ray với các chỉ số sụt giảm nhanh hơn hầu hết các dự báo của giới phân tích.
Giải cứu có thành công?
Li Jieming, nhà phân tích về trái phiếu của Công ty Chứng khoán Sealand tại Thẩm Quyến cho hay chương trình thí điểm của chính quyền trung ương Trung Quốc vừa giúp ngăn chặn được làn sóng vay ngân hàng trong nước những năm qua, vừa giúp chính quyền các địa phương có thêm nguồn vốn đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng. Thượng Hải đã công bố bán 7.100 tỷ NDT tiền trái phiếu, trong đó có 3.600 tỷ trái phiếu thời hạn 3 năm với lãi suất 3,1% và 3.500 tỷ trái phiếu thời hạn 5 năm với lãi suất 3,3%. Còn Thẩm Quyến cho biết sẽ bán 2.200 tỷ NDT trái phiếu cho các nhà đầu tư.
Để lôi kéo được các nhà đầu tư, trong đó có các ngân hàng nước ngoài, chính quyền các địa phương buộc sẽ phải minh bạch hơn về kinh tế. Đây có thể được xem là bước thay đổi lớn đối với kinh tế Trung Quốc khi chính quyền các địa phương không được phép vay vốn trực tiếp từ các thị trường từ năm 1949. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến quan ngại rằng đây có thể là hình thức đáo nợ hợp pháp dưới sự cho phép của Chính phủ Trung Quốc khi lấy một khoản nợ trong tương lai trả cho các khoản nợ cũ. Và điều này rất có thể sẽ khiến các địa phương Trung Quốc tiếp tục ngập trong các khoản nợ.
Biện pháp tiền tệ cũng đã được Chính phủ Trung Quốc sử dụng. Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) trong tháng 11 này đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với 20 ngân hàng thương mại xuống còn 16%. Giới quan sát coi sự nới lỏng này như một dấu hiệu cho thấy PBOC sẽ sớm giảm yêu cầu dự trữ (hiện đang ở mức cao lịch sử) đối với tất cả các ngân hàng.
Ngày 21-11, Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn đã đánh tiếng về sự thay đổi chính sách tổng thể. Hiện nhiều người dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ ngưng việc nâng giá đồng NDT để thúc đẩy xuất khẩu. Hơn nữa, Bắc Kinh chắc chắn sẽ quay trở lại với các biện pháp kích thích kinh tế. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12, Bắc Kinh dự kiến chi 1.700 tỷ USD vào các ngành công nghệ cao và thân thiện môi trường. Thực tế, Bắc Kinh đã liên tục thành công trong việc tạo được sức tăng trưởng trong lúc bên ngoài đang khủng hoảng. Nhưng liệu các kế hoạch của Trung Quốc có tiếp tục thành công?
Đỗ Văn (tổng hợp)