Trung Quốc đã có những quyết định sai lầm

Ngày 27-7, báo Strait Times đã cho đăng tải bài phân tích của Giáo sư Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định Trung Quốc đã có nhiều quyết định sai lầm về nhiều vấn đề trên thế giới trong thời gian qua, trong đó có vấn đề biển Đông. Báo SGGP xin lược dịch bài phân tích của Giáo sư Mahbubani.

Ngày 27-7, báo Strait Times đã cho đăng tải bài phân tích của Giáo sư Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định Trung Quốc đã có nhiều quyết định sai lầm về nhiều vấn đề trên thế giới trong thời gian qua, trong đó có vấn đề biển Đông. Báo SGGP xin lược dịch bài phân tích của Giáo sư Mahbubani.

Năm 2016, thị phần của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu sẽ vượt Mỹ. Sự phát triển thật sự gây sốc, bởi năm 1980, khi Mỹ chiếm đến 25% sản xuất hàng hóa toàn cầu, nền kinh tế Trung Quốc mới chỉ chiếm 2,2%. Cùng với sự phát triển về kinh tế trong 30 năm, Trung Quốc luôn thể hiện được sự khôn khéo về địa chính trị. Nhưng giờ đây, người Trung Quốc dường như đang trên đà để mất sự khôn khéo đó ngay khi họ cần nó nhất.

Bắc Kinh đã mắc không ít những sai lầm nghiêm trọng. Sau khi Nhật Bản đã đồng ý thả tàu đánh cá Trung Quốc tháng 9-2010, Bắc Kinh lại yêu cầu Nhật Bản xin lỗi, ít nhiều làm rạn nứt quan hệ với Nhật Bản.

Sau khi CHDCND Triều Tiên pháo kích làm thiệt mạng dân thường tại Hàn Quốc tháng 11-2010, Trung Quốc im lặng. Phản ứng lại, Hàn Quốc đã cử đại sứ đến tham dự lễ trao giải Nobel Hòa bình cho người bất đồng chính kiến với Chính phủ Trung Quốc Lưu Hiểu Ba vào tháng 12-2010.

Trung Quốc cũng làm Ấn Độ tự ái khi từ chối cấp visa cho một số quan chức cấp cao của quốc gia láng giềng. Mặc dù Thủ tướng Ôn Gia Bảo luôn “xuống nước” với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh trong các cuộc gặp, nhưng hành động không cần thiết của Trung Quốc đã khiến Ấn Độ mất đi sự tin tưởng.

Nhưng tất cả những lỗi mắc phải đó không thể sánh được với sai lầm của Trung Quốc tại Hội nghị của ASEAN hồi tháng 7 tại Campuchia. Lần đầu tiên trong 45 năm qua, Hội nghị ngoại trưởng ASEAN (AMM) không thể đưa ra được tuyên bố chung bởi sức ép to lớn từ phía Trung Quốc. Trung Quốc đã thắng “trận chiến tuyên bố chung”, nhưng có thể đã đánh mất 20 năm gây dựng thiện chí mà thể hiện rõ nhất là Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc được ký kết tháng 11-2002.

Quan trọng hơn nữa, các lãnh đạo trước đây của Trung Quốc tính toán rằng một ASEAN mạnh và đoàn kết là đệm chắn hữu ích chống lại mọi chiến lược kiềm chế của Mỹ. Nay, khi chia rẽ ASEAN, Trung Quốc đã giúp Mỹ có cơ hội địa chính trị tốt nhất trong vùng. Nếu như Đặng Tiểu Bình còn sống, ông sẽ lo ngại sâu sắc. Có thể là không công bằng khi đổ lỗi cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Tuy nhiên, chính sách cứng rắn quá mức trên biển Đông đã gây ra sự đổ vỡ của Tuyên bố chung AMM.

Chính sách Trung Quốc hiện nay khác với các lãnh đạo tiền bối như Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Còn về đường 9 đoạn của Trung Quốc trên biển Đông, đó sẽ chỉ là cái cùm đeo lên cổ Trung Quốc. Thật không hề khôn ngoan chút nào khi Trung Quốc gửi công hàm, trong đó kèm bản đồ có hình “đường lưỡi bò”, lên LHQ vào tháng 5-2009. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc kèm bản đồ trong văn thư chính thức cho LHQ và điều này đã gây quan ngại cho một số nước trong ASEAN.

Hơn nữa, sau khi đệ trình đường đứt khúc 9 đoạn lên LHQ, Trung Quốc bước vào thế không lối ra, vì khó khăn của việc biện hộ cho bản đồ theo luật quốc tế. Thật vậy, sử gia nổi tiếng gốc Trung Quốc Wang Gungwu đã chỉ ra, các bản đồ đầu tiên đòi biển Đông là của người Nhật và được lãnh thổ Đài Loan thừa kế. Ở trong nước, đường 9 đoạn có thể gây rắc rối cho chính phủ khi đem lại cho những người chỉ trích một vũ khí hữu ích.

Trung Quốc sẽ phải tìm cách để thỏa hiệp quanh đường 9 đoạn.

Đỗ Cao (dịch)

Tin cùng chuyên mục