Theo Kyodo, ngày 21-6, các nhà ngoại giao cấp cao của Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ tiến hành cuộc họp ba bên tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) thảo luận về hợp tác an ninh hàng hải tại vùng biển đang trở thành điểm nóng trên thế giới vì tranh chấp lãnh hải.
Biển Đông là trọng tâm
Trọng tâm của hội nghị lần này là thảo luận về hoạt động phi pháp của Trung Quốc tại biển Đông và Hoa Đông bất chấp sự phản ứng của dư luận quốc tế. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, trong hai ngày 19 và 20-6, một tàu Hải quân Trung Quốc đã xuất hiện gần quần đảo đang tranh chấp mà phía Tokyo gọi là Senkaku (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư). Trước đó, Nhật Bản cho biết tàu do thám của Trung Quốc đã đi vào lãnh hải Nhật Bản gần đảo Kuchinoerabu ngày 15-6, xuất hiện tại vùng tiếp giáp gần đảo Kitadaito ngày 16-6.
2 tàu sân bay Mỹ John C. Stennis và Ronald Reagan đến vùng biển phía Đông Philippines
Trong thời điểm diễn ra hội nghị ba bên, 2 tàu sân bay Mỹ gồm John C. Stennis và Ronald Reagan đã bắt đầu phối hợp hoạt động ở vùng biển phía Đông Philippines. Mỹ hiếm khi triển khai đồng thời 2 cụm tàu sân bay ở một vùng biển. Theo Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson, điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với an ninh khu vực châu Á. Cũng theo ông Richardson, việc Trung Quốc ngang nhiên đẩy mạnh hoạt động cải tạo đất và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở biển Đông, cản trở tàu các nước tiếp cận khu vực bằng tên lửa và radar, buộc Mỹ phải hành động. Hoạt động triển khai đồng thời hai cụm tàu sân bay của Mỹ ở vùng biển phía Đông Philippines diễn ra ngay trước thềm phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) về vụ kiện yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc. Đây là động thái mới nhất của Mỹ tại biển Đông sau khi 6 chiến đấu cơ Mỹ trực chiến tại căn cứ không quân Clark tiến vào không phận bãi cạn Scarborough vào ngày 23-4-2016.
Ngoan cố phủ nhận
Japan Times dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết Trung Quốc dọa sẽ rút khỏi Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và coi đây là biện pháp đối phó nếu phải chịu một phán quyết bất lợi trong vụ kiện tại PCA. Nhiều chuyên gia còn bày tỏ lo ngại Bắc Kinh sẽ đơn phương thiết lập Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông. Tuy Trung Quốc đã là một thành viên của UNCLOS từ năm 1996 nhưng nước này lại luôn ngoan cố không chấp nhận và không tôn trọng phán quyết của PCA, ngang ngược cho rằng PCA không có thẩm quyền đối với hồ sơ vụ kiện này.
Trong một diễn biến khác, ngày 21-6, truyền thông Trung Quốc đưa tin Tập đoàn hàng hải nhà nước Trung Quốc (COSCO) có kế hoạch mở các hải trình trên biển Đông, với tuyến đầu tiên từ thành phố Tam Á ở đảo Hải Nam tới quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chủ tịch COSCO, Hứa Lập Vinh tuyên bố kế hoạch này nhằm khuyến khích nền kinh tế địa phương thông qua phát triển du lịch, hậu cần và cơ sở hạ tầng. Hồi tháng 4, COSCO đã ký một hợp đồng với Tập đoàn Dịch vụ du lịch quốc gia Trung Quốc và Công ty TNHH Xây dựng viễn thông Trung Quốc để thành lập một công ty du lịch nhằm cung cấp các dịch vụ du lịch ở biển Đông.
|
THANH HẰNG (tổng hợp)