Trung Quốc gia tăng ứng dụng công nghệ giảm khí thải

Trung Quốc đang đẩy nhanh thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải thông qua những bước đột phá lớn về công nghệ nhằm giảm ít nhất 18% trong các ngành và lĩnh vực quan trọng vào năm 2025 so với năm 2020, tiến tới trung hòa carbon vào năm 2060.
Cánh đồng điện gió ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc
Cánh đồng điện gió ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

Trong 17 năm qua, Giáo sư (GS) Sun Baigang tại Trường Kỹ thuật cơ khí, Viện Công nghệ Bắc Kinh và nhóm cộng sự đã nghiên cứu động cơ đốt trong hydro. Tham dự Diễn đàn Zhongguancun 2023 vừa kết thúc hôm 30-5 tại Bắc Kinh, GS Sun Baigang thông báo những động cơ như vậy đã trải qua giai đoạn phát triển ban đầu và các nhà nghiên cứu đang nỗ lực để làm tăng hiệu năng.

Những công nghệ như của nhóm GS Sun Baigang đã trở thành động lực mạnh mẽ trong việc hoàn thành sứ mệnh giảm lượng khí thải carbon của Trung Quốc. Tháng 8-2022, Trung Quốc đã tiết lộ kế hoạch thực hiện mục tiêu thông qua công nghệ. Theo kế hoạch, đến năm 2030, Trung Quốc sẽ tiến hành nghiên cứu sâu hơn và tạo ra nhiều bước chuyển hơn trong một số công nghệ trung hòa carbon tiên tiến và đột phá, nhằm giảm hơn 65% lượng khí thải CO2 so với năm 2005.

Ông Sun Baigang khẳng định, qua đánh giá xu hướng quốc tế có thể thấy năng lượng hydro là lựa chọn tốt nhất để đạt được mục tiêu trung hòa carbon, và động cơ đốt trong hydro của họ sẵn sàng cho ứng dụng quy mô nhỏ vào cuối năm 2023. Theo THX, những năm qua, Trung Quốc đã trở thành quốc gia tiên phong trong phát triển năng lượng sạch và không ngừng đóng góp cho sự nghiệp khử carbon toàn cầu.

Ông Ouyang Minggao, học giả Viện Khoa học Trung Quốc và là GS tại Đại học Thanh Hoa, cho biết, Trung Quốc đứng đầu toàn cầu về tăng trưởng công suất lắp đặt năng lượng tái tạo và doanh số bán phương tiện năng lượng mới (NEV). Dự báo, số lượng NEV của Trung Quốc có thể đạt 100-160 triệu chiếc vào năm 2030.

Về sự phát triển của công nghệ hạt nhân mới mang tên “tokamak” hay “mặt trời nhân tạo” của Trung Quốc, đến nay đã đạt được trạng thái ổn định trong 403 giây, một bước quan trọng hướng tới sự phát triển của lò phản ứng nhiệt hạch. Tại diễn đàn nói trên, ông Danny Alexander, Phó Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), cho rằng châu Á có tiềm năng đáng kể để đóng vai trò hàng đầu trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu nhờ các nguồn tài nguyên to lớn, các nguồn năng lượng tái tạo chưa được khai thác và năng lực đổi mới công nghệ ở Trung Quốc cùng phần còn lại của châu Á.

Còn ông Ma Yanhe, Giám đốc Viện Công nghệ sinh học công nghiệp Thiên Tân thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, giới thiệu nghiên cứu về chuyển đổi và sử dụng CO2 bằng công nghệ sinh học công nghiệp. Nhóm nghiên cứu của ông Ma Yanhe đã thiết kế tổng hợp tinh bột nhân tạo gồm 11 phản ứng cốt lõi, có thể tổng hợp hoàn toàn CO2 thành các phân tử tinh bột trong phòng thí nghiệm. Phương pháp này có tiềm năng giảm thiểu biến đổi khí hậu do khí thải nhà kính gây ra, giảm ô nhiễm từ phân bón và thuốc trừ sâu, giảm tình trạng thiếu nước, thiếu lương thực ở các nước đang phát triển.

Theo ông Chu Gang, Giám đốc điều hành của Tập đoàn tài chính và đầu tư CICC (Trung Quốc), năm 2022, đầu tư xanh ở Trung Quốc đạt khoảng 2,6 ngàn tỷ NDT (khoảng 368,4 tỷ USD). Theo ước tính mới nhất của CICC, đến năm 2060, Trung Quốc dự kiến sẽ tích lũy 139 ngàn tỷ NDT, đủ để trung hòa carbon.

Tin cùng chuyên mục