Trung Quốc hãm đà tăng trưởng

Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc (NBS) ngày 20-1 công bố mức tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2014 đạt 7,4%, thấp hơn mục tiêu đề ra là 7,5 % và thấp hơn mức 7,7% năm 2013. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1999, Trung Quốc không đạt mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm và là mức thấp nhất trong vòng 24 năm qua.

Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc (NBS) ngày 20-1 công bố mức tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2014 đạt 7,4%, thấp hơn mục tiêu đề ra là 7,5 % và thấp hơn mức 7,7% năm 2013. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1999, Trung Quốc không đạt mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm và là mức thấp nhất trong vòng 24 năm qua.

Một loạt biện pháp cải cách thị trường và các kích thích kinh tế khiêm tốn trong năm vừa qua đã không thể đảo ngược sự nguội lạnh ở thị trường bất động sản, công nghiệp và năng suất trở nên dư thừa dẫn đến tình trạng tồn hàng xuất khẩu. Đây cũng sẽ tiếp tục là bài toán khó cho nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích kinh tế, nếu mục tiêu của Bắc Kinh là cho phép suy giảm kinh tế ở mức khiêm tốn để thúc đẩy cải cách cấu trúc kinh tế thì năm 2014 vẫn có thể được xem là thành công vì tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp và tình trạng bất ổn xã hội được hạn chế. Ưu tiên của Bắc Kinh là tạo ra đủ việc làm khi dân số ở độ tuổi lao động đang co lại và vì thế họ sẵn sàng chấp nhận tỷ lệ tăng trưởng GDP chậm lại. Theo tính toán của các nhà kinh tế, tính theo tỷ giá USD, “kích thước” của nền kinh tế Trung Quốc khoảng 10.000 tỷ USD, trong khi đó “kích thước” của nền kinh tế Mỹ là 17.500 tỷ USD.

Reuters dẫn lời nhà kinh tế tại Bắc Kinh, ông Andrew Polk, nói rằng nhìn từ quan điểm tái cấu trúc nền kinh tế thì tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2014 có thể chấp nhận được và mang tính tích cực. Tuy nhiên, ông Polk nói thêm rằng chỉ số GDP thấp cũng phản ánh một số tiêu cực.

Đó là các dấu hiệu bất ổn ngày càng tăng trong nửa cuối năm 2014. Các chỉ số kinh tế đi xuống đáng ngạc nhiên, đỉnh cao là biện pháp bất ngờ cắt giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) trong tháng 11-2014 và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thành viên. Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đã làm tiền mặt tràn ngập thị trường với số vốn 2.400 tỷ nhân dân tệ (386,27 tỷ USD). Các nhà kinh tế lo ngại số tiền này có thể lại được đầu tư vào công nghiệp vốn đang dư thừa công suất và làm tăng tình trạng bong bóng bất động sản mà nhà quản lý đang cố ngăn chặn. Nếu nền kinh tế vẫn tiếp tục trì trệ sẽ có thêm nhiều đợt hạ lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Nếu vậy, nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ rơi vào vòng lẩn quẩn.

Bắc Kinh cũng đã bác bỏ việc có thêm các gói kích thích kinh tế lớn khi núi nợ của các doanh nghiệp và địa phương Trung Quốc trong đợt kích thích năm 2009 ở mức 4.000 tỷ nhân dân tệ (643,19 tỷ USD).

Tuần trước, Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2015 còn 7,1%. WB lo ngại sự suy giảm GDP ở Trung Quốc có thể tác động đáng kể đối với nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP năm 2014 không đạt mục tiêu, Chính phủ Trung Quốc cho biết họ vẫn tiếp tục chính sách chuyển hóa nền kinh tế theo hướng phát triển nhờ chi tiêu dùng của người tiêu dùng chứ không phải do các khoản đầu tư lớn; nhấn mạnh đến chất lượng tăng trưởng hơn là con số đạt được.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục