Trung Quốc hợp pháp hóa tín dụng ngầm

Sau thời gian dài thảo luận, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định thông qua kế hoạch thí điểm hợp pháp hóa các quỹ tín dụng ngầm để kiểm soát hoạt động.

Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các tổ chức cho vay không chính thức nếu hội đủ điều kiện sẽ được phép đăng ký để trở thành các ngân hàng nông thôn hoặc hoạt động như các công ty tín dụng quy mô nhỏ trong khi ban hành các quy định đi kèm. Đây được xem là nỗ lực của cơ quan chức năng nhằm khuyến khích sự tham gia của tư nhân vào lĩnh vực tài chính, vốn gần như bị độc quyền bởi các ngân hàng, đồng thời thúc đẩy sự luân chuyển minh bạch của dòng vốn tư nhân.

Địa điểm đầu tiên được chọn thí điểm là thành phố Ôn Châu thuộc tỉnh Chiết Giang, khu vực đang có những hoạt động cho vay tín dụng ngầm nở rộ nhất cả nước. Theo ước tính của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, quy mô tài chính của các quỹ tín dụng tư nhân ở Ôn Châu trong năm 2011 lên tới 600 tỷ nhân dân tệ (95,2 tỷ USD). Chỉ tính riêng các tỉnh ven biển phía Đông Trung Quốc hiện có khoảng 3.000 tỷ nhân dân tệ (470 tỷ USD) lưu thông trong hệ thống tín dụng ngoài ngân hàng. Con số này phản ánh thực tế hoạt động tín dụng ngầm đang phình to nhờ lãi cao nên thu hút nguồn vốn trong dân rất cao, nhưng đồng thời người gửi tiền cũng có thể phải đối mặt với nguy cơ mất trắng nếu tình hình biến động xấu.

Khách hàng quen thuộc của các “ngân hàng đen” này là các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ. Vì không thể tiếp cận khoản vay của các ngân hàng trong bối cảnh Trung Quốc đang thực hiện việc thắt chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát, nhiều doanh nghiệp phải quay sang thị trường tín dụng ngầm  với lãi suất hàng năm cao hơn 15 lần so với lãi suất cho vay chuẩn mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc quy định. 

Mức lãi suất cao cắt cổ, tình hình kinh tế tài chính khó khăn làm họ không thể trả nợ, khiến nợ chồng nợ. Những tháng gần đây, thông tin các vụ vỡ nợ của các quỹ tín dụng ngầm xuất hiện ngày càng nhiều trên báo chí Trung Quốc đã gióng lên những hồi chuông báo động về hoạt động cho vay không kiểm soát, để lại những câu chuyện thương tâm, nhiều gia đình bị suy sụp bởi những đồng tiền này. Tuy đã trừng trị thẳng tay những trường hợp được coi là nghiêm trọng, bao gồm cả việc ban hành án tử hình nhưng tín dụng ngầm  vẫn tiếp tục hoạt động ở Trung Quốc và không có dấu hiệu chấm dứt.

Những hiện tượng tiêu cực trên đã khiến chính phủ Trung Quốc ngày càng quan ngại về khu vực tín dụng ngầm đang gia tăng quy mô tới mức có thể thu hút nguồn tiền gửi từ các ngân hàng lớn, gây ra những rủi ro đe dọa tới sự ổn định tài chính.

Các chuyên gia kinh tế Trung Quốc nhận định, nếu việc thí điểm thành công ở Ôn Châu, chính phủ Trung Quốc sẽ nhân rộng mô hình này tại nhiều địa phương khác trên toàn quốc nhằm tránh sự rủi ro cho người dân lẫn các doanh nghiệp. Việc hợp pháp hóa để kiểm soát các dòng tiền tín dụng lưu thông ngoài ngân hàng không phải là việc dễ dàng, bởi chưa thể biết có bao nhiêu phần trăm các quỹ tín dụng chấp nhận để nhà nước kiểm soát. Nhưng trước mắt đây là việc làm rất cần thiết bởi Trung Quốc đang đang đặt mục tiêu đưa nền kinh tế vào quỹ đạo ổn định, không chạy theo tăng trưởng nóng, nếu không thể ngăn chặn các “quả bom nổ chậm” từ tín dụng ngầm, nền kinh tế nước này sẽ phải hứng chịu những hậu quả khó lường.

Thanh Hằng

Tin cùng chuyên mục