(SGGPO).- Theo Tân Hoa xã, ngày 14-11, Trung Quốc đã thực hiện thành công lần ghép nối thứ hai giữa tàu vũ trụ không người lái Thần Châu-8 với module thí nghiệm Thiên Cung-1, sau khi chúng tách khỏi nhau khoảng 30 phút trước đó.
Trước khi ghép nối lần hai, Thần Châu-8 và Thiên Cung-1 đã bay cùng nhau 12 ngày.
Tàu Thần Châu-8, được phóng lên vũ trụ vào ngày 1-11, đến điểm hẹn và ghép nối với Thiên Cung-1 vào ngày 3-11, trong một quỹ đạo ở độ cao 343km, đánh dấu sự kiện lắp ghép thành công tàu không gian đầu tiên của Trung Quốc. Thiên Cung-1, được Trung Quốc đưa vào quỹ đạo vào ngày 29-9.
Kỹ thuật nối hai thiết bị trong không gian vô cùng phức tạp bởi chúng bay trên cùng quỹ đạo với tốc độ lên tới vài ngàn kilomet mỗi giờ. Khi thực hiện nối ghép hai thiết bị phải tới gần nhau, vì thế nếu để xảy ra sai sót nhỏ thì chúng sẽ phá hủy lẫn nhau. Trước đây, chỉ có Nga và Mỹ thực hiện thành công kỹ thuật này.
Trung tâm kiểm soát hàng không vũ trụ Bắc Kinh (BACC), Cơ quan chỉ huy sứ mệnh Thần Châu-8 cho biết, họ chọn thời điểm hai thiết bị bay qua vùng tối để thực hiện lần ghép nối thứ hai. Bằng cách đó, sẽ biết kỹ thuật ghép nối của họ có thể được tiến hành trong môi trường thiếu ánh sáng hay không.
Theo các nhà khoa học Trung Quốc, sau khi nối ghép lần hai, Thần Châu-8 và Thiên Cung-1 sẽ bay cùng nhau trong hai ngày nữa, trước khi Thần Châu-8 trở lại trái đất.
Thành công của Thần Châu-8 sẽ mở đường cho Trung Quốc tiếp tục phóng Thần Châu-9 và Thần Châu-10 vào quỹ đạo để nối ghép với Thiên Cung-1 vào năm 2012, trong đó ít nhất một tàu sẽ có người lái.
Hiện Trung Quốc đã có kế hoạch lắp đặt trạm không gian riêng của mình vào năm 2016 và lắp đặt trạm không gian có người lái vào năm 2020.
Đăng Hưng