Trung Quốc - Nhật Bản: Vẫn cần có nhau

Hãng Ria-Novosti ngày 7-10 cho biết xung đột giữa Nhật Bản - Trung Quốc gần 1 tháng qua (xuất phát từ việc tàu đánh cá Trung Quốc va chạm với tàu tuần tra Nhật Bản tại khu vực quần đảo tranh chấp) đã tạm thời lắng dịu. Hai bên đã giải quyết những khúc mắc bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) tại Brussels ngày 4-10 vừa qua.
Trung Quốc - Nhật Bản: Vẫn cần có nhau

Hãng Ria-Novosti ngày 7-10 cho biết xung đột giữa Nhật Bản - Trung Quốc gần 1 tháng qua (xuất phát từ việc tàu đánh cá Trung Quốc va chạm với tàu tuần tra Nhật Bản tại khu vực quần đảo tranh chấp) đã tạm thời lắng dịu. Hai bên đã giải quyết những khúc mắc bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) tại Brussels ngày 4-10 vừa qua.

Ria Novosti mô tả, sau khi ăn tối cùng với 46 nhà lãnh đạo của 2 khối, khi gặp nhau ngoài lề hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và người đồng cấp Nhật Bản Naoto Kan tay bắt mặt mừng, nhất trí không để vấn đề tranh cãi về quần đảo Senkaku (theo cách gọi của Nhật Bản) hay Điếu Ngư (theo Trung Quốc) làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa hai bên.

Giới quan sát nhận định, việc Trung Quốc đã thả 4 công dân Nhật Bản và cam kết không để ảnh hưởng đến thương mại song phương trước khi hội nghị diễn ra là động thái dọn đường cho thỏa thuận bình thường quan hệ hai nước tại Brussels.

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào gặp gỡ tại Toronto, Canada tháng 6-2010.

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào gặp gỡ tại Toronto, Canada tháng 6-2010.

Tuy nhiên, tờ Japan Times dẫn nhận định của ông Kazuo Ogoura, Giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Aoyama Gakuin (Nhật Bản), cho rằng việc căng thẳng lắng xuống chỉ là bề mặt bởi vết rạn trong quan hệ hai nước rộng hơn và sâu hơn nhiều. Thứ nhất, trong suy nghĩ của Trung Quốc, việc Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng người Trung Quốc là hành động nhằm khẳng định mạnh mẽ hơn nữa chủ quyền của Nhật đối với vùng đảo tranh chấp. Đây là động thái mà ông Kazuo Ogoura cho rằng Trung Quốc không dễ dàng bỏ qua. Thứ hai, nhiều người dân Trung Quốc hiện vẫn còn thành kiến với Nhật Bản do lịch sử khó quên giữa hai nước để lại.

Nhưng mặt khác, những lợi ích về kinh tế, chính trị là những yếu tố khiến Trung Quốc - Nhật Bản vẫn cần đến nhau. Giới quan sát cho rằng dù căng thẳng cỡ nào, đụng độ quân sự giữa hai nước khó có thể xảy ra, bởi đó không phải biện pháp lâu dài giúp giải quyết tranh chấp.

Dư luận thế giới chắc chắn cũng sẽ không đồng tình với phương án này. Hơn nữa, nếu sa lầy vào cuộc chiến này, Trung Quốc sẽ gặp phải một loạt những khó khăn trong chính trị nội bộ, còn Nhật Bản sẽ phải đối phó với những diễn biến phức tạp hơn trong tranh chấp lãnh thổ khác. Cả hai nước đều có những ưu - khuyết điểm nhất định.

Trên hết, một cuộc chiến quân sự sẽ chỉ gây thêm thiệt thòi cho hai quốc gia về kinh tế, ảnh hưởng lớn đến hợp tác song phương cũng như uy tín trên trường thế giới.

Đỗ Văn

Tin cùng chuyên mục