Trung Quốc: Quan tham tẩu tán tài sản

Bán tháo tài sản trong nước
Trung Quốc: Quan tham tẩu tán tài sản

Ngày 22-1, phát biểu tại Ban Thanh tra kỷ luật Trung ương, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết tiến hành chống tham nhũng ở mọi cấp, từ cán bộ cấp thấp cho đến lãnh đạo cấp cao. Kể từ khi nhậm chức Tổng Bí thư cách đây 2 tháng, đây không phải lần đầu tiên ông Tập Cận Bình kêu gọi chống tham nhũng. Và quyết tâm của ông Tập Cận Bình bước đầu làm các quan tham lo ngại.

Ông Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh bị điều tra hình sự về tham nhũng.

Ông Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh bị điều tra hình sự về tham nhũng.

Bán tháo tài sản trong nước

Bài điều tra đăng trên tờ Telegraph (Anh) dẫn báo cáo từ Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CDIC) cho biết làn sóng bán nhà sang trọng tại Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải bắt đầu từ cuối tháng 11 và đã tăng vọt kể từ tháng 12-2012 với khối lượng giao dịch tăng 100 lần. Những bất động sản này đang bị phá giá trên thị trường và thủ phạm không ai khác là chính các vị quan tham đang muốn biến mình thành “quan thanh liêm”. Lý giải hiện tượng này, tờ China Daily cho biết do nhiều quan chức có nhiều bất động sản bị lôi ra ánh sang. Đặc biệt là vụ Thái Bân, một cán bộ cấp trưởng phòng Cơ quan kiểm tra kỷ luật, Khu ủy Phiên Ngu, Quảng Châu lương 10.000 tệ/tháng (1.600 USD/tháng) mà có tới 21 ngôi nhà trị giá 40 triệu tệ (643.000 USD). Sự kiện này đã kéo theo các cuộc điều tra về nhà ở của quan chức tại các địa phương.

Theo trang mạng của Ủy ban xây dựng nhà ở Bắc Kinh, nửa đầu tháng 1-2013 ở Bắc Kinh đã có 7.940 căn hộ được chuyển nhượng, tăng 360% so với cùng kỳ năm 2012, tăng 11% so với tháng 12-2012, trong số đó số căn hộ cao cấp có giá 35.000 tệ/m2 (5.600 USD/m2) trở lên chiếm 31%. Một bộ phận người bán là các quan chức cơ quan công quyền và giới lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước. 11 thành phố có hiện tượng bán nhà ồ ạt là Nam Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Thiên Tân, Thẩm Dương, Hạ Môn, Nam Kinh, Phúc Châu, Tế Nam, Quảng Châu, Thâm Quyến, Thành Đô. Chỉ riêng ở Quảng Châu và Thượng Hải, giới quan chức đã bán tới 10.000 căn hộ hạng sang trong năm ngoái.

Tình trạng bán nhà ồ ạt đã nằm trong tầm theo dõi của Cơ quan kiểm tra kỷ luật Trung Quốc. Cơ quan này đã phối hợp với các cơ quan điều tra và lôi ra ánh sáng nhiều vụ quan chức bán tháo bất động sản, sau đó công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về hình thức xử phạt. Vụ việc xảy ra gần đây nhất, vào ngày 13-1, ông Trại Chấn Phong, cựu giám đốc ban quản lý nhà cấp quận thuộc thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, đã bị bắt vì tội lạm dụng công quyền, tham nhũng. Theo điều tra, ông Trại hiện sở hữu 31 căn nhà, trong đó có 27 căn được chính phủ tài trợ cho những người thu nhập thấp.

Ông Bạc Hy Lai và bà Cốc Khai Lai.

Ông Bạc Hy Lai và bà Cốc Khai Lai.

Mua tài sản ngoài nước

Vụ bê bối chính trị của gia đình Bạc Hy Lai - Cốc Khai Lai bị phanh phui khiến dư luận kinh ngạc về mức độ tham nhũng và cách tẩu tán tiền kiếm được từ tham nhũng của các ông quan tham Trung Quốc. Ngoài chuyện bán tháo tài sản trong nước để giữ hình ảnh “trong sạch”, các quan tham Trung Quốc chuyển tài sản cho các thành viên trong gia đình mang ra nước ngoài. Sau khi gia đình định cư an toàn ở nước ngoài, những quan tham này mới lên kế hoạch thoát thân. Cũng theo báo cáo của CDIC trong năm 2012, có tới 1.000 tỷ USD (tương đương 40% GDP của Anh) đã bị tuồn lậu từ Trung Quốc ra nước ngoài. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng con số này thấp hơn so với thực tế và nó có thể lên tới hơn 1.300 tỷ USD. Những hành động này cho thấy quy định kiểm soát vốn trong đó mỗi người Trung Quốc không được đem quá 50.000 USD ra nước ngoài mỗi năm dường như chẳng có tác dụng gì trong việc ngăn cản những cuộc xuất ngoại của tài sản tham nhũng này.

Một báo cáo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã chỉ ra những cách các quan tham Trung Quốc thường sử dụng để chuyển tiền ra nước ngoài: Họ nhận tiền hối lộ ở nước ngoài và dùng tiền đó mua bất động sản cũng ở nước ngoài, hoặc chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản ở nước ngoài. Nếu tinh vi hơn, họ sẽ thành lập công ty ở những nơi kiểu như quần đảo Virgin thuộc Anh song song với một công ty trong nước. Kế đó, họ cho công ty trong nước mua nguyên vật liệu từ công ty ở nước ngoài với mức giá “trên trời” rồi để công ty trong nước bán hàng cho công ty nước ngoài với giá dưới mức giá thị trường. Công ty ở trong nước sau đó sẽ phá sản theo một kịch bản có sẵn, rồi công ty ở nước ngoài sẽ thâu tóm công ty phá sản này.

Tuy nhiên, cho đến đầu năm nay, những quan tham Trung Quốc đang phải dè chừng và tìm đường ra khỏi Trung Quốc vì một dự luật cho phép Viện Kiểm sát tối cao Trung Quốc tăng cường các biện pháp theo dõi dòng tiền bất hợp pháp và hợp tác với các nước khác nhằm chặt đứt đường chuyển tiền bẩn ra nước ngoài. Theo CDIC, trong thời gian nghỉ dài ngày nhân dịp Quốc khánh Trung Quốc hồi tháng 10-2012, có tới 1.100 quan chức chính quyền đã tìm cách trốn ra nước ngoài và 714 trong số này đã trốn thoát. Theo số liệu của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Trung Quốc, riêng trong năm 2011, các chính phủ nước ngoài đã giúp bắt giữ 1.631 người Trung Quốc chạy trốn vì “các hành động tội phạm liên quan đến công việc” và thu hồi 71,2 tỷ USD tài sản nhà nước bị đánh cắp. Phần lớn đối tượng phạm tội đều là quan chức và nhân viên các doanh nghiệp nhà nước.

Theo giáo sư Khương Minh An, Đại học Luật Bắc Kinh, cố vấn của ông Vương Kỳ Sơn, Trưởng ban kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng, để chống tham nhũng, điều quan trọng là đảng buộc các quan chức phải công khai tài sản của họ. Ông nói: “Chính phủ đang thiết lập một hệ thống đăng ký nhà ở. Tôi cho rằng đây là hệ thống rất tốt. Đảng phải xử lý nghiêm túc vấn đề này để tránh tình trạng lòng dân bất mãn vì tham nhũng lan tràn”.

Thanh Hằng

Tin cùng chuyên mục