Thực hiện chủ trương chống tham nhũng từ “ruồi đến hổ” của Chủ tịch Tập Cận Bình, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành hàng loạt biện pháp nhằm chặn những hành vi sai trái, lạm quyền của các quan chức. Những biện pháp mạnh đã phần nào khiến các quan tham buộc phải chùn tay.
Nhiệm vụ chính trị quan trọng
Kế hoạch 5 năm chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (2013 - 2017) đặc biệt nhấn mạnh nếu phong cách làm việc và nạn tham nhũng không được giải quyết thỏa đáng sẽ gây hại cho Đảng, thậm chí đưa Đảng và đất nước Trung Quốc đến diệt vong. Nội dung của kế hoạch có đoạn viết: Tất cả các vụ việc phải được điều tra và trừng phạt nghiêm khắc để làm gương cho những người khác. Đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, xây dựng hệ thống chống tham nhũng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, còn với xã hội đó là một trách nhiệm chung.
Kể từ đó, hàng loạt biện pháp đã được đề ra. Cuối năm ngoái, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc ban hành quy định cấm sử dụng công quỹ đối với việc mua, in, vận chuyển lịch, thiệp mừng năm mới cũng như pháo, rượu và thuốc lá trong dịp Tết Nguyên đán. Đây là hoạt động mà Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn thúc đẩy để thực hành tiết kiệm và kiểm soát mức tiêu xài hoang phí đối với công chức nhà nước cũng như các đảng viên Đảng Cộng sản. Theo đó, các cơ quan Đảng và Nhà nước, các hiệp hội dân sự, doanh nghiệp nhà nước, và các tổ chức tài chính bị cấm trao đổi quà tặng sử dụng từ nguồn công quỹ.
Những mặt hàng như hoa và rượu cũng nằm trong danh mục cấm sử dụng công quỹ để mua tặng. Không chỉ cấm mua rượu để làm quà tặng mà tất cả các cơ quan ở Trung Quốc còn bị cấm sử dụng rượu trong tiếp tân, kể cả rượu Mao Đài - quốc tửu của người Trung Quốc nhằm giảm thiểu những chi tiêu không cần thiết. Từ cuối năm 2012, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành luật cấm các cơ quan chính phủ không được mua các mặt hàng xa xỉ, tuy nhiên lại không quy định rõ tiêu chuẩn nên rượu Mao Đài vẫn còn được sử dụng trong các cuộc họp.
Cũng từ cuối năm ngoái, các cơ quan, chính quyền không được phép tổ chức những bữa tiệc xa hoa. Chính phủ Trung Quốc còn ban hành quy định cấm các món ăn: vây cá mập, yến sào, thịt thú rừng trong các tiệc chiêu đãi chính thức. Đây là một phần nội dung trong quy định mới về việc sử dụng tiền công của chính quyền các địa phương khi đón tiếp các quan chức Chính phủ hay lãnh đạo Đảng. Những chương trình biểu diễn hoành tráng được dàn dựng công phu trong các bữa tiệc cũng bị coi là lãng phí, gây ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh của Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc.
Khuyến khích tố cáo
Đầu năm nay, trong động thái nhằm siết chặt hơn những quy định gây lãng phí, Bộ Tài chính Trung Quốc ra lệnh cấm tất cả quan chức chính phủ dưới cấp bộ trưởng đi máy bay hạng thương gia hoặc lưu trú trong khách sạn hạng sang. Ban tổ chức trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đưa ra quy định không thăng chức cho các quan chức có các thành viên trong gia đình gồm vợ/chồng hoặc con cái đã di cư ra nước ngoài. Quy định này là một trong những biện pháp mới nhất nằm trong kế hoạch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhằm ngăn ngừa tình trạng quan chức tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài sau khi biển thủ công quỹ. Cũng theo quy định mới, tư cách đạo đức của các quan chức sẽ trở thành yếu tố quan trọng nhất trong việc quyết định có được thăng chức hay không.
Điểm mới đáng chú ý trong năm qua là việc Trung Quốc thành lập 10 đoàn công tác của Trung ương tiến hành kiểm tra thực tế tình hình chấp hành kỷ luật đảng ở các bộ ngành và địa phương. Trong số 10 đơn vị được kiểm tra, có 9 nơi phát hiện có vấn đề về tham nhũng. Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết, cuộc chiến chống tham nhũng trong năm nay sẽ bao gồm tất cả mọi quan chức, trong đó, các thành viên Bộ Chính trị kiêm nhiệm chức danh bí thư tỉnh cũng không nằm ngoài “phạm vi giám sát” của cơ quan này. Cán bộ của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ được gài vào tất cả các cơ quan đảng và ban ngành chính phủ, thay vì chỉ một số cơ quan đảng nhất định như trước đây.
Báo cáo thành tích năm 2013 của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung Quốc cho biết, trong năm 2013, nước này đã trừng phạt 182.038 quan chức có dính tới tham nhũng. Trong năm qua, có khoảng 1,95 triệu khiếu nại liên quan đến tham nhũng và cơ quan này đồng ý điều tra 172.532 trường hợp.
Thời gian qua, nhiều người dân Trung Quốc tích cực sử dụng blog, mạng xã hội Weibo, diễn đàn online để vạch mặt quan tham từ cấp địa phương đến trung ương. Hàng loạt quan chức đã bị cách chức hoặc điều tra do bị đưa ảnh, video clip “nóng” lên mạng này. Tuy nhiên, trong khi ngày càng có nhiều người tìm tới truyền thông xã hội thì Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc cho rằng tố cáo trực tuyến thông qua các trang mạng Weibo không phải là cách chính thức để thông tin về tham nhũng, bởi có nhiều thông tin bị sai lệch, không chính xác, rất khó xác minh. Chính phủ Trung Quốc đã cho mở trang web chống tham nhũng chuyên tiếp thu các phản hồi về hành vi tham nhũng và sai trái. Danh tính của người tố cáo có thể được công khai hoặc giấu kín nhằm bảo vệ an toàn cho họ. Đặc biệt, tiến trình điều tra và xác minh các tố giác của người dân sẽ được công khai ngay trên chính trang web này để giúp những người tố cáo có thể theo dõi, tạo niềm tin cho người dân. Nhưng giới phân tích cho rằng, hầu hết người dân thích sử dụng các kênh không chính thức hơn vì thu hút được rất nhiều người quan tâm.
THANH HẰNG (tổng hợp)