(SGGPO).- Theo Tân Hoa xã, rau Trung Quốc là mặt hàng thực phẩm nhiễm độc mới nhất khi một báo cáo cho biết bắp cải được trồng ở tỉnh Sơn Đông, nơi cung cấp rau quả lớn nhất nước này, nhiễm chất formaldehyde.
Theo Chương trình chất độc quốc gia của Mỹ, formaldehyde là một chất lỏng để khử trùng hay ướp xác, đồng thời là chất gây ung thư và các bệnh về da, mắt và đường hô hấp cho con người.
Các cuộc điều tra trước đó cho biết, chất này còn được dùng giữ tươi hải sản và nấm ở Trung Quốc.
Báo cáo trên nói rõ những cơ sở sản xuất rau ở huyện Qingzhou và nhiều tỉnh thành khác đã khuyến khích nông dân cố tình phun formaldehyde để giữ rau tươi (ít nhất 3 năm) để dễ dàng phân phối đến những thị trường xa xôi. Qingzhou là nơi cung cấp bắp cải hàng đầu ở Trung Quốc, chủ yếu bán cho các khu vực phía Bắc và các tỉnh lân cận ở bờ biển phía Đông nước này.
Sau khi báo cáo ban hành, cảnh sát nhiều địa phương đã vào cuộc điều tra và bắt giữ hàng chục người và đóng cửa nhiều cơ sở trồng rau độc.
Một nông dân tên Yin Lihua cho biết việc phun formaldehyde là cách phổ biến ở địa phương ông và các vùng lân cận vì nếu không bắp cải sẽ dập nát sau 2-3 ngày vận chuyển.
Ông Yin còn cho biết ông có thể thu được ít nhất 15 tấn bắp cải tươi chỉ trên 1.300 m² đất (giá 1kg bắp cải là 1,4 NDT, khoảng 4.600 đồng). Giá mua một chai dung dịch formaldehyde 2,5 lít chỉ tốn 7 NDT nhưng có thể giữ tươi đến 20 tấn rau quả. Các nông dân cho biết họ vẫn thường ăn rau độc do mình trồng vì họ nghĩ chỉ cần rửa rau với nước và cắt gốc là an toàn để ăn.
Phương pháp phun formaldehyde này được nông dân Trung Quốc sử dụng vào mùa xuân và hè, đến mùa đông, khi nhiệt độ giảm đi thì bắp cải sẽ tươi lâu mà không cần chất bảo quản.
Báo cáo một lần nữa nhấn mạnh phản ứng giận dữ từ người dân Trung Quốc trước đề tài “thực phẩm nào an toàn?”
Thanh Hải