Tiếp tục gây căng thẳng cùng các hoạt động quân sự và xây dựng trên các đảo chiếm giữ trái phép ở biển Đông, Trung Quốc đang thúc đẩy việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở đây.
The Global Times, ấn bản tiếng Anh của Nhân Dân Nhật Báo, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 22-4 cho biết, các nhà máy điện hạt nhân có thể vươn đến những vùng xa xôi trên biển và đem lại một nguồn cung điện ổn định.
Li Zhengguo, lãnh đạo văn phòng tổng hợp của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc (CSIC), nơi thiết kế và xây dựng các cơ sở hạt nhân, nói với The Global Times rằng họ đang "thúc đẩy công việc".
Liu cho biết: "Sự phát triển các cơ sở điện hạt nhân là một xu hướng đang gia tăng. Con số chính xác các nhà máy được công ty xây dựng phụ thuộc nhu cầu thị trường". Liu thêm rằng, nhu cầu đó là "khá lớn", nhưng không cho biết cụ thể.
Ảnh vệ tinh Digital Globe do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố cho thấy, mặt Tây Bắc đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã xây dựng trái phép đê chắn sóng dài khoảng 580 m cùng các cơ sở hạ tầng, bao gồm khu nhà ở, sân diễu hành cỏ nhân tạo, nhà máy xi măng, bến tàu...
The Global Times trích dẫn thông tin hồi tháng 1 trên tờ China Securities Journal nói rằng một cơ sở hạt nhân thử nghiệm dự kiến hoàn thành vào năm 2018 và đưa vào sử dụng trong năm 2019.
Chuyên gia Hải quân Trung Quốc Li Jie nói với The Global Times, các cơ sở hạt nhân có thể cung cấp điện năng cho các ngọn hải đăng, thiết bị tìm kiếm cứu hộ, các cơ sở quốc phòng, sân bay, bến cảng ở biển Đông.
"Thường chúng ta phải dùng dầu hoặc than để phát điện. Với khoảng cách lớn giữa quần đảo Nam Sa với Trung Quốc đại lục và sự thay đổi điều kiện thời tiết và đại dương, việc vận chuyển nhiên liệu có thể là một vấn đề, đó là lý do việc phát triển cơ sở điện hạt nhân trên biển có ý nghĩa lớn", Li nói, dùng tên Nam Sa mà Trung Quốc tự đặt cho quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
THIỆN NGUYỄN