Trung Quốc tìm mô hình phát triển mới

Mở cửa nền kinh tế theo định hướng thị trường đã được Trung Quốc thực hiện cách đây 32 năm. Tốc độ tăng trưởng trong nhiều năm liên tục luôn ở mức 2 con số. Kết quả là, từ một nước chậm phát triển, đến nay Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

Đó là một bước tiến ấn tượng. Thế nhưng bên cạnh thành tựu này, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vẫn còn nhiều tồn tại. Đó là sự chênh lệch giàu nghèo lớn, nhất là giữa nông thôn và thành thị. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa dẫn đến việc thu hẹp diện tích nông nghiệp, đẩy nhiều nông dân vào tình cảnh khó khăn đã làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn với chính quyền trong các dự án liên quan tới đền bù giải tỏa đất đai. Những người nông dân sau khi ly hương lên thành thị tìm việc làm vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là công nhân ở các nhà máy phải chịu nhiều thiệt thòi về đồng lương.

Đặc biệt, kể từ năm 2008, sau khi tình hình kinh tế thế giới bắt đầu đi xuống, nền kinh tế Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng cao, những vấn đề xã hội nói trên trở nên nhức nhối hơn. Ông Trương Minh, nhà khoa học chính trị thuộc Đại học Nhân dân phát biểu trên tờ New York Times: “Nhiều vấn đề kinh tế mà chúng tôi đang đối mặt thực chất nằm ở bản chất nền kinh tế, bản chất của hệ thống sở hữu và các nhóm lợi ích”. Cũng theo ông Trương, nếu không kịp thời giải quyết gốc rễ của vấn đề ngay từ bây giờ thì sẽ khó có cơ hội giải quyết sau này.

Theo số liệu của nhà nghiên cứu kinh tế chính trị Trung Quốc Victor Shih, dưới thời ông Bạc Hy Lai, Trùng Khánh với dân số 31 triệu người có tốc độ tăng trưởng 16,4% năm 2011, mức cao nhất tại Trung Quốc. Nhưng đổi lại, chính quyền địa phương và các công ty nhà nước tại địa phương đã mắc nợ 160 tỷ USD. Không riêng Trùng Khánh, tình trạng nợ công tăng cao cũng diễn ra ở nhiều địa phương khác của Trung Quốc do các địa phương thi nhau đổ tiền vào những dự án cơ sở hạ tầng, giao thông. Vấn đề này đang tạo ra áp lực nợ xấu, đe dọa sự tồn tại của các ngân hàng.

Trong khi đó, những chỉ số công bố ngày 10-5 cho thấy nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục yếu. Tăng trưởng trong quý 1-2012 là 8,1%. Theo dự báo của Thủ tướng Ôn Gia Bảo, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc cả năm 2012 chỉ đạt 7,5%. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng, chi tiêu dùng và xuất khẩu đều thấp. Nhiều nhà kinh tế đã thúc giục chính phủ nới lỏng kiểm soát tài chính, hỗ trợ cho vay các doanh nghiệp tư nhân, kiểm soát chặt hoạt động của các tập đoàn nhà nước, nới lỏng kiểm soát tỷ giá và lãi suất cũng như tăng phúc lợi xã hội.

Theo các chuyên gia kinh tế, những thay đổi như vậy sẽ làm giảm vai trò của nhà nước nhưng cũng đồng thời giảm tham nhũng, tăng cường tính cạnh tranh của nền kinh tế. Một quá trình thay đổi như vậy sẽ kéo dài nhưng nhất thiết phải thực hiện sớm bất chấp ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhóm lợi ích.

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2008 đến nay đòi hỏi các nền kinh tế phương Tây phải đi tìm mô hình mới để giảm bớt sự lũng đoạn của các tập đoàn tư bản. Nhìn từ nền kinh tế Trung Quốc, dễ nhận thấy rằng mô hình tăng trưởng của Trung Quốc cũng phải điều chỉnh tương tự theo hướng giảm bớt quyền lực của các tập đoàn kinh tế nhà nước. 

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục