Pakistan vừa cho phép các kỹ sư quân sự Trung Quốc tiếp cận và lấy mẫu từ trực thăng tàng hình của lực lượng đặc nhiệm Mỹ bỏ lại trong chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, khiến mối quan hệ giữa Mỹ và Pakistan gia tăng căng thẳng.
Trong cuộc đột kích tiêu diệt trùm khủng bố đêm 2-5, phía Mỹ đã không thông báo cho chính quyền Pakistan. Do đó, để tiến hành chiến dịch bí mật, Mỹ đã sử dụng trực thăng Blackhawk cải tiến, được phủ một “lớp tàng hình” nhằm vượt qua radar của Pakistan. Một trong hai chiếc trực thăng này đã gặp sự cố và rơi (có thông tin nói đuôi của chiếc máy bay này bị vướng vào bức tường rào của khu nhà bin Laden đang lẩn trốn, khi hạ cánh), buộc lực lượng đặc nhiệm Navy Seals phải phá hủy nó, nhưng phần đuôi vẫn còn nguyên vẹn và bị bỏ lại tại Abbottabad. Đây hẳn là “miếng mồi béo bở” cho Trung Quốc khi nước này đang tăng cường chi phí hiện đại hóa quốc phòng.
Từ các mẫu tiêm kích
Còn nhớ mùa xuân năm 1999, chiếc máy bay tàng hình đầu tiên trên thế giới F-117A Nighthawk của không lực Hoa Kỳ bị hệ thống tên lửa phòng không S-125 Neva/Pechora của Nam Tư (cũ) bắn hạ ở nước này. Sau đó tình báo Trung Quốc đã lùng sục từng mét vuông khu vực máy bay rơi và không tiếc tiền mua lại từng mảnh vụn từ dân địa phương. Khi đó, báo chí phương Tây đã quy kết Trung Quốc sao chép công nghệ tàng hình của máy bay F-117A để chế tạo máy bay J-20, khiến Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhanh chóng lên tiếng bác bỏ “sự vu khống” này.
Theo phi công Xu Yongling, khác với các tiêm kích trước đó như J-7 và J-8 được chế tạo dựa trên các máy bay nước ngoài (như MiG-21, F-13 hay Su-15), còn J-20 là kiệt tác công nghệ của Trung Quốc. Mặc dù phải mất ít nhất 8 năm nữa J-20 mới được đưa vào sử dụng, nhưng có thể nói J-20 thật sự là đối thủ tiềm năng với chiếc F-22 Raptor siêu việt của Mỹ.
Giới quân sự Trung Quốc cho rằng thật vô nghĩa nếu áp dụng công nghệ vốn đã lỗi thời của F-117A. Ngoài ra, họ cũng thanh minh là rất khó tái tạo công nghệ sản xuất vật liệu sử dụng cho F-117A chỉ từ các mảnh vỡ của máy bay. Nhưng theo các chuyên gia quân sự thế giới: khó, nhưng có thể.
Hay như sự kiện ngày 1-4-2001, máy bay do thám hiện đại EP-3E ARIES II của Mỹ đã bị 2 máy bay tiêm kích J-8 II của Hải quân Trung Quốc (PLAN) ép sát, sau đó “vô tình” đâm vào EP-3E. Trước đó, viên phi công Mỹ, đại úy hải quân Shane Osborn đã chuyển sang chế động bay tự động. Sau vụ va chạm, phi công Osborn đã xin hạ cánh khẩn cấp xuống phi trường Lingshui trên đảo Hải Nam. Chính vào thời điểm EP-3E lao xuống gần 2.440m, phi hành đoàn Mỹ đã phá hủy các công nghệ nhạy cảm trên máy bay công nghệ cao này. Mặc dù Lầu Năm Góc tin tưởng các công nghệ nhạy cảm nhất đã bị phá hủy nhưng hạ nghị sĩ Mark Kirk, một chuyên gia tình báo hải quân, cho rằng trong khoảng thời gian ngắn như thế không thể phá hủy hết mọi thiết bị, nên chắc chắn nhiều công nghệ mật đã bị lộ. 11 ngày sau, 24 nhân viên phi hành đoàn Mỹ được Trung Quốc trả về, nhưng chiếc EP-3E trị giá 80 triệu USD vẫn bị giữ lại đến 3 tháng trời. Mỹ cho rằng đó là thời gian quá đủ để Trung Quốc khám phá chiếc máy bay này. Trung Quốc chỉ đồng ý trao trả sau khi nó đã bị tháo rời thành từng mảnh vụn.
Đến tàu sân bay cũ
Cách Trung Quốc “học hỏi” từ xác máy bay hiện đại của Mỹ cũng là cách họ đang áp dụng vào phục chế các tàu sân bay. Chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được đóng từ thời Liên Xô, có tên Varyag, dài 300m với tải trọng 67.500 tấn, chưa kịp hoàn thành thì Liên Xô sụp đổ nên quyền sở hữu được chuyển giao cho Ukraine. Sau đó, Ukraine đã giải giáp và loại bỏ động cơ của tàu trước khi bán cho Trung Quốc vào năm 1998. Năm 2002, con tàu này đã được Trung Quốc đem về cảng đóng tàu Đại Liên với ý định cải tạo thành khách sạn nổi cao cấp. Nhưng sau khi quân đội Trung Quốc kiểm tra thực trạng thì họ đã quyết định hoàn thành tàu sân bay này như thiết kế ban đầu và lấy tên Thi Lang. Con tàu này khi được đóng chỉ có phần khung, nên thành tựu lớn nhất của quân đội Trung Quốc là đã phục chế và lắp thêm “phần hồn” cùng việc triển khai một hệ thống vũ khí hiện đại cho Thi Lang. Thế là Trung Quốc trở thành quốc gia Đông Bắc Á đầu tiên hạ thủy tàu sân bay.
Dựa vào kinh nghiệm phục chế tàu Thi Lang, Trung Quốc đang cố hoàn thiện các tàu sân bay nội địa và dự kiến hạ thủy vào năm 2015. Theo báo Le Monde (Pháp), việc Trung Quốc mua tàu sân bay của Ukraine đã mở ra cho Bắc Kinh cơ hội quý giá vì được tiếp cận với các chuyên gia nắm công nghệ quân sự cao cấp của một trong các nước thành viên thuộc Liên bang Xô Viết. Đồng thời, các phi công của Trung Quốc đã được đón nhận thực tập tại căn cứ quân sự Nitka, vốn là trung tâm duy nhất huấn luyện hoạt động quân sự trên các hàng không mẫu hạm Liên Xô. Tuy vậy, báo chí nhắc tới Thi Lang, nhưng trong thực tế kể từ năm 1985, Trung Quốc đã mua lại 4 tàu sân bay “về hưu”: HMAS Melbourne của Australia, Minsk, Kiev và Varyag của Liên Xô trước đây. Trung Quốc cũng đã từng thất bại khi tìm cách mua tàu Clemenceau của Pháp năm 1997.
Tham vọng công nghệ vũ trụ
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực chinh phục không gian và có thể sẽ qua mặt Mỹ trong tương lai, khi mà năm nay cường quốc này lần đầu phóng lên vũ trụ một module lớn bằng một toa xe lửa để đặt “viên gạch” đầu tiên tạo nên trạm vũ trụ của riêng mình. Theo kế hoạch, trạm vũ trụ của Trung Quốc sẽ khai trương vào năm 2020, thời điểm ISS sẽ phải đóng cửa, nếu Mỹ và các cộng sự không có giải pháp thay thế. Lúc ấy, Trung Quốc sẽ là nước duy nhất có người sống lâu dài trong không gian. Trước đó, năm 2003, 4 thập kỷ sau Mỹ và Nga, Trung Quốc là nước thứ 3 đưa người bay vào không gian. Dự kiến tới năm 2013, Trung Quốc sẽ phóng tàu thăm dò Mặt trăng và đưa người lên “gặp chị Hằng” vào năm 2020. Mặc dù thiếu nhiều kinh nghiệm công nghệ vũ trụ nhưng rõ ràng họ không thiếu những kế hoạch và nguồn tài chính dồi dào để hiện thực hóa những tham vọng đó.
Tháng 5-2011, trong buổi điều trần trước Ủy ban đánh giá quan hệ an ninh kinh tế Mỹ - Trung của Quốc hội Mỹ, Scott Pace, một chuyên gia hàng không vũ trụ, nhận xét rằng, những gì Trung Quốc học được từ chương trình nghiên cứu không gian có thể ứng dụng ở nhiều lĩnh vực, trong đó có việc cải thiện độ chính xác của tên lửa đạn đạo. Bằng chứng, 4 năm trước, Trung Quốc đã dùng tên lửa đạn đạo bắn nổ một vệ tinh ngưng hoạt động, khiến nhiều quan chức Mỹ lo ngại hành động này có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian.
* Trước thời điểm Trung Quốc đưa tàu không gian Thần Châu cùng phi hành gia Dương Lợi Vĩ lên vũ trụ, báo chí Mỹ đồng loạt đưa tin Trung Quốc đã ăn cắp công nghệ vũ trụ của nước này bằng nhiều hình thức như tình báo công nghiệp, mua chuộc chuyên gia Mỹ… Trung Quốc đã lên tiếng mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc này và không lâu sau đó cho thế giới thấy một Trung Quốc có tên trong danh sách các nước có tàu bay vào vũ trụ. |
Thanh Hải tổng hợp