Truyền thông Trung Quốc ngày 10-11 đưa tin nước này đã triển khai các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư J-11BH/BHS với số lượng không xác định tới đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa ở biển Đông do Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam.
Đường băng Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm, thuộc chủ quyền Việt Nam
Chướng ngại mới gây căng thẳng
Đảo Phú Lâm, cách đảo Hải Nam khoảng 321km về phía Nam, là nơi duy nhất trên quần đảo Hoàng Sa có sân bay đang hoạt động. Các máy bay chiến đấu này có thể mở rộng tầm hoạt động trên biển Đông tới 360km. Diplomat bình luận, việc Bắc Kinh triển khai máy bay chiến đấu J-11BH/BHS được coi là một chướng ngại mới và làm căng thẳng thêm tình hình tại biển Đông.
Hiện chưa rõ số lượng cũng như kế hoạch triển khai tới đảo Phú Lâm của các chiến đấu cơ Trung Quốc nhưng theo Diplomat, khó có khả năng số máy bay này sẽ ở lại trong thời gian dài do điều kiện khí hậu trên biển Đông khiến việc bảo dưỡng và duy trì hoạt động gặp nhiều khó khăn.
Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối Trung Quốc hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc; làm gia tăng căng thẳng, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định ở khu vực.
Hãng tin Nhật Bản Kyodo đưa tin, theo dự thảo tuyên bố của Chủ tịch luân phiên ASEAN Malaysia dự kiến sẽ được công bố khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh khu vực vào cuối tháng này, lãnh đạo các nước Đông Nam Á sẽ kêu gọi kiềm chế nhằm tránh leo thang căng thẳng ở biển Đông.
Theo bản sao dự thảo tuyên bố đề ngày 26-10 mà hãng tin Kyodo có được, lãnh đạo các nước ASEAN “đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do thương mại hợp pháp cũng như tự do trên biển và trên không ở biển Đông...”.
Kyodo cũng dẫn nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani sẽ gặp Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM) và Đô đốc Harry Harris tại Hawaii vào cuối tháng này để thảo luận về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở biển Đông.
Trung Quốc tìm cách lách luật quốc tế
Nhiều chuyên gia nghiên cứu quốc tế khẳng định, các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông hoàn toàn phi lý, không dựa trên bất cứ một cơ sở pháp lý hay lịch sử nào. Tướng hai sao Daniel Schaeffer, học giả nổi tiếng người Pháp, nhận định, Trung Quốc diễn giải luật biển quốc tế theo cách của họ và Bắc Kinh đã “cố tình vi phạm hoặc tìm cách lách luật pháp quốc tế”.
Ông Daniel khẳng định, từ trước đến nay Bắc Kinh chưa bao giờ đưa ra được các bằng chứng lịch sử cụ thể về việc họ thực thi quản lý liên tục các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước khi Hoàng Sa và một phần Trường Sa bị nước này chiếm đóng trái phép.
Theo học giả này, trên thực tế, Trung Quốc đã chiếm đóng bằng vũ lực và điều này trái với Hiến chương LHQ. Tướng Shaeffer cũng đánh giá cao lập trường của Việt Nam liên quan đến vụ Philippines kiện Trung Quốc về các tranh chấp ở biển Đông trước Tòa Trọng tài thường trực LHQ (PCA). Với việc gửi tới PCA Tuyên bố quan tâm (Statement of interest) vào tháng 12-2014: “Việt Nam đã cung cấp cho thiết chế trọng tài này những yếu tố bổ sung, cho phép họ có thể xem xét với sự chính xác hơn ngoài những yếu tố mà Philippines và Trung Quốc đưa ra”.
Chuyên gia Bruno Hellendorff, phụ trách chương trình Thái Bình Dương của Nhóm Nghiên cứu về hòa bình và an ninh (GRIP) có trụ sở tại Brussels (Bỉ), cũng đánh giá cao việc Việt Nam tăng cường tổ chức các cuộc hội thảo về biển Đông trong thời gian gần đây, đặc biệt là giới học giả và lãnh đạo Việt Nam ngày càng tham gia nhiều hơn vào các cuộc thảo luận quốc tế về biển Đông thông qua các cuộc hội thảo hàng năm hay công bố các nghiên cứu, tham luận trên các diễn đàn thế giới.
Giáo sư Eric Mottet của Đại học Quebec tại Montreal (Canada), đồng thời là chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại (IRASEC), cho rằng “các tín hiệu Trung Quốc phát ra rất mâu thuẫn, vừa tiến hành chính sách ngoại giao song phương tăng cường các trao đổi hữu nghị, vừa có thái độ hung hăng, nhất là đối với các vấn đề chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
VIỆT ANH (tổng hợp)