Những năm gần đây, Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ trong cả lĩnh vực kinh tế và quân sự. Rất nhiều ý kiến cho rằng với thực lực của mình, Trung Quốc có thể khuynh đảo thế giới trong thời gian tới. Liệu nhận định trên có đúng trong tình hình thế giới hiện nay?
Vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, không ngần ngại vung tiền mua các khoản nợ công với rủi ro cao ở châu Âu, đồng thời tăng cường sức mạnh quân sự một cách mạnh mẽ, Trung Quốc đang cho cả thế giới thấy nước này đã thực sự “hóa rồng” với sức mạnh vô song.
Tiềm năng kinh tế
Từ Hy Lạp cho đến Tây Ban Nha, trong thời gian gần đây, Trung Quốc không ngừng tuyên bố sẵn sàng bỏ tiền giúp đỡ các nước này vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công. Tháng 10-2010, khi công du Hy Lạp, một nước châu Âu đang lâm vào tình trạng gần như không còn khả năng trả nợ, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã mang theo nhiều món quà tặng rất giá trị. Đó là những hợp đồng thương mại trị giá hàng tỷ USD và lời cam kết tiếp tục hỗ trợ của một nhà đầu tư nước ngoài cỡ lớn. Bắc Kinh hứa giúp Athens qua việc mua trái phiếu chính phủ nước này. Cử chỉ “hiệp nghĩa” của Trung Quốc được Chính phủ Hy Lạp hoan nghênh, xem đây là lối thoát cho một đất nước đang ngập đầu trong đống nợ công.
Qua tháng 11, trong chuyến thăm Bồ Đào Nha, đến lượt Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đề cập đến việc giúp Lisbon đối phó với khủng hoảng. Chủ tịch Trung Quốc hứa sẽ “giúp Bồ Đào Nha bằng những biện pháp cụ thể”. Dù ông không nói cụ thể những biện pháp nào, nhưng trước đó, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã hàm ý về khả năng Bắc Kinh bỏ tiền ra mua trái phiếu của Bồ Đào Nha. Một tháng sau đó, báo chí Bồ Đào Nha tiết lộ: Trung Quốc sẵn sàng mua đến 6,5 tỷ USD trái phiếu của chính phủ nước này. Đầu tháng 1 năm nay, Bắc Kinh tiếp tục cam kết mua trái phiếu chính phủ của Tây Ban Nha trị giá gần 8 tỷ USD và các nước có nguy cơ phải cứu trợ khác.
Với kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ gần 3.000 tỷ USD, Trung Quốc đang thoải mái chi những khoản tiền kếch sù vào các thương vụ làm ăn ở hải ngoại mang lại nhiều món lợi về kinh tế cho Bắc Kinh.
Trước khi mang trọng trách “giải cứu” tại châu Âu, Trung Quốc cũng đã đầu tư rất nhiều tiền của vào châu Phi với hai lĩnh vực trọng yếu là nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng. Chính quyền Bắc Kinh khuyến khích các doanh nghiệp nước này đầu tư trên 56 tỷ USD để lập những xí nghiệp khai thác quặng vàng, đồng, than và dầu khí ở CHDC Congo, Tanzania, Mozambique, Angola. Về nông nghiệp, theo một báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu Chính sách lương thực quốc tế (FPRI), có trụ sở tại Mỹ, Trung Quốc mua 2,8 triệu ha đất để mở đồn điền cây cọ dầu sinh học tại CHDC Congo. Ethiopia là một ví dụ dễ thấy về tác động đầu tư của Trung Quốc.
Năm 2007, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công bắn tên lửa phá hủy vệ tinh. Tháng 1-2010, quân đội Trung Quốc bắn chặn được tên lửa trên không. Hiện nay, Bắc Kinh đang phát triển loại tên lửa đạn đạo có thể tấn công các hàng không mẫu hạm ở Thái Bình Dương. Cho đến nay, ngân sách dành cho quốc phòng Trung Quốc tăng đều khoảng 10% mỗi năm. |
Thủ đô Addis Ababa của quốc gia 88 triệu dân giờ đây tràn ngập các công trình xây dựng do người Trung Quốc đảm trách. Trụ sở mới của Liên minh châu Phi, một dự án tầm cỡ, cũng đang được những bàn tay người thợ Trung Quốc xây dựng. Còn các dự án về đường sá, cầu cống cũng xuất hiện các chủ thầu Trung Quốc thi công nhan nhản trên toàn quốc. Trung Quốc cũng đang mua khá nhiều các lô đất rộng ở Ethiopia để tăng gia lương thực. Việc mua bán rầm rộ kiểu này cũng được Trung Quốc tiến hành ở các quốc gia châu Á như Indonesia, Philippines, Kazakhstan... với diện tích hàng triệu hécta.
Mỹ Latinh cũng là thị trường được Trung Quốc dồn “tâm huyết”. Thư ký điều hành Ủy ban kinh tế Mỹ Latinh và Carribean (ECLAC), bà Alicia Barcena, cho biết các dự án kinh tế của Trung Quốc tiếp tục tăng tại khu vực trong thời gian qua. Năm 2009, Trung Quốc và Brazil đã ký kết hợp đồng hợp tác kéo dài trong 5 năm với công ty năng lượng quốc gia Brazil Petrobas trị giá 10 tỷ USD. Ngoài ra, Trung Quốc cùng tập đoàn khai mỏ Australia Rio Tinto đầu tư một dự án khai thác alumin tại Peru trị giá 19,5 tỷ USD. Tuy nhiên, khu vực nhận được đầu tư nhiều nhất của Trung Quốc vẫn là châu Á. Theo China Daily, khoảng 50% tổng số tiền Trung Quốc đã đầu tư vào châu Á. Xây dựng cơ sở hạ tầng là lĩnh vực được Trung Quốc đặc biệt chú trọng tại châu Á. Trung Quốc hiện đang “ôm ấp” tham vọng về một đường sắt cao tốc từ Nam Trung Quốc qua Lào, Thái Lan và đến các khu vực biên giới Malaysia trị giá hàng chục tỷ USD.
Sức mạnh quân sự
Ngoài phát triển kinh tế, Trung Quốc cũng đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng, tăng cường sức mạnh quân sự của nước này. Điều này được thấy rõ qua chuyến bay thử nghiệm của máy bay tàng hình J-20 “made in China” hôm 11-1 vừa qua. Theo báo SCMP của Hồng Công (Trung Quốc), J-20 là loại máy bay được đồn đại từ lâu và là thế hệ tiêm kích tàng hình thứ 5 của nước này. Sự xuất hiện của J-20 đã khiến Mỹ và không ít quốc gia phương Tây phải bất ngờ.
Trước đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates từng cho rằng Trung Quốc chỉ có thế hệ máy bay chiến đấu thứ 5 vào năm 2020. Các nhà quân sự phương Tây thì khẳng định cần hơn một thập kỷ để Trung Quốc sản xuất J-20 hàng loạt. Giờ đây, với việc xuất hiện của J-20, người ta có thể thấy rõ một bước tiến dài của không quân Trung Quốc. Theo ông Robert Gates, trong dự án chế tạo máy bay tiêm kích tàng hình J-20, có thể Trung Quốc đã đạt được một trình độ cao hơn mức tình báo Hoa Kỳ phán đoán.
Trước đó, tháng 12-2010, Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ có hàng không mẫu hạm đầu tiên của nước này vào năm 2011. Còn theo đánh giá của Cơ quan Tình báo Hải quân Mỹ, hàng không mẫu hạm Varyag mua về từ Ukraine đang được sửa chữa tại TP Đại Liên sẽ được hạ thủy vào năm 2012. Chuyên gia quân sự Canada Robert Carniola nhận định việc Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay Varyag mà theo nước này để thử nghiệm và huấn luyện chỉ là bước đi đầu tiên hướng tới việc thành lập nhóm tàu sân bay tấn công. Và hàng không mẫu hạm do Trung Quốc tự chế tạo sẽ được hạ thủy không sớm hơn năm 2015.
Vốn nằm trong kế hoạch phát triển quân sự của Trung Quốc, từ năm 2003, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định biến nước này thành một siêu cường hàng hải. Báo cáo “Phát triển hải dương Trung Quốc năm 2010” của Cục Quản lý hải dương Trung Quốc (SOA) cho biết, năm 2009 Trung Quốc đã thúc đẩy ý tưởng và kế hoạch cho việc xây dựng các tàu sân bay.
Cũng theo báo cáo này, nhiệm vụ của Trung Quốc trong giai đoạn 2010 - 2020 có ý nghĩa quyết định cho việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược với mục tiêu tạo được những quyền lực hàng hải “hạng trung”. Tháng 3-2009, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt từng tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ không thể duy trì được vị thế lớn nếu không có một tàu sân bay. Tháng 10-2009, Bắc Kinh tuyên bố đang có kế hoạch đóng các tàu khu trục lớn thế hệ mới như một phần trong nỗ lực phát triển một hải quân viễn dương hiện đại. Theo báo cáo, các tàu khu trục thế hệ mới sẽ có trọng lượng hơn 10.000 tấn và có khả năng trang bị các tên lửa siêu thanh chống hạm đời mới với tầm bắn 500km.
ĐỖ VĂN