Mặc dù có những dự đoán cho rằng, với đà phát triển hiện nay, khoảng 15 năm nữa, Trung Quốc sẽ soán ngôi Mỹ, trở thành cường quốc số 1 thế giới. Tuy nhiên, nhiều nhận định khác cho rằng, điều đó còn rất xa vời!
Người nói... có
Câu chuyện giải cứu châu Âu của Trung Quốc phần nào gây chia rẽ trong nội bộ châu Âu. Nếu các nước đang gặp khó khăn như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland hay Tây Ban Nha hoan nghênh sự giúp đỡ của Trung Quốc, thì ngược lại các cường quốc như Pháp hay Đức dè dặt và kín tiếng.
Vấn đề là tại sao lại lo ngại sự có mặt của Trung Quốc? Theo giới quan sát, tâm lý lo ngại trên xuất phát từ chuyện “mắt thấy tai nghe” đối với những hoạt động đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi và châu Á trong thời gian qua. Hàng chục tỷ USD đang được Trung Quốc đổ vào các xí nghiệp khai thác quặng vàng, đồng, than và dầu khí ở nhiều quốc gia tại lục địa Đen.
Đây là những nguyên liệu và nhiên liệu cần thiết cho nhu cầu phát triển kinh tế của Trung Quốc và sẽ được xuất ngược lại Trung Quốc. Nhưng từ lâu nay, báo chí trên thế giới đã có không ít bài viết phản ánh về điều kiện làm việc trong các xí nghiệp này. Ở đó, người dân bản xứ bị giới chủ Trung Quốc bóc lột sức lao động hết sức tàn nhẫn, đối xử rất tàn tệ. Điều này được so sánh như thời thực dân Anh, Pháp ở châu Á trước đây bóc lột dân bản xứ, khai thác tài nguyên các nước thuộc địa làm giàu cho mẫu quốc. Không những thế, Trung Quốc còn tìm cách “di dân” sang châu Phi, chỉ trong vài năm qua đã có khoảng 1 triệu người Trung Quốc đang làm việc ở nhiều nước châu Phi.
Chính vì vậy, nhiều quan chức ở EU thật sự quan ngại sự có mặt của Trung Quốc trong các hoạt động kinh tế, thương mại ở châu Âu và trên thế giới. Những người dè dặt với Trung Quốc tin rằng trong việc mua lại các khoản nợ của châu Âu, Trung Quốc không chỉ “giúp đỡ vô tư”(?). Xét từ góc độ chính trị, Trung Quốc giúp đỡ châu Âu sẽ có lợi trong việc hối thúc châu Âu nhanh chóng công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường, loại bỏ trở ngại cuối cùng trong hệ thống rào cản thương mại đối với Trung Quốc. Kế tiếp, Bắc Kinh có thể nhân cơ hội tốt này để hối thúc châu Âu từ bỏ lập trường cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc.
Kẻ bảo... không
Mặc dù Trung Quốc có nhiều động thái làm nhiều quốc gia phải lo lắng trong thời gian qua nhưng theo tờ Guardian (Anh), việc các nước phương Tây tính đến chuyện cần thiết lập ra một cơ chế hoặc liên minh để khống chế sự lớn mạnh của Trung Quốc là điều chưa cần thiết. Cách đây 3 thập kỷ, Trung Quốc đã từ bỏ theo đuổi toàn trị về kinh tế. Ngày nay, nền kinh tế này đã có một mối liên kết sâu rộng và bền vững với châu Á. Cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc thu hút các linh kiện, phụ tùng với khối lượng khổng lồ từ Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, tới những nơi giàu hơn như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) giúp Trung Quốc đi sâu vào mạng lưới sản xuất công nghệ cao ở châu Á. Mọi người đều được lợi từ các mối liên hệ này.
Trong khi đó, sự gia tăng mạnh mẽ về tiềm lực quân sự của Trung Quốc là lý do dễ thấy khiến các nước khác lo ngại. Tuy nhiên, ngay cả với số liệu ước tính lớn nhất, ngân sách quân sự của Trung Quốc hiện chỉ tương đương Nhật Bản, và tất nhiên thấp hơn nhiều so với tổng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản, Ấn Độ và Nga, 3 nước tiếp giáp với Trung Quốc. Hơn nữa, Nga và Ấn Độ cùng sở hữu vũ khí hạt nhân, trong khi Nhật Bản có đủ khả năng công nghệ để tái thiết lại hệ thống quốc phòng có thể đối phó với bất cứ mối đe dọa hạt nhân nào trong khu vực. Vì vậy những thách thức đặt ra bởi Trung Quốc hiện nay chủ yếu mang tính chính trị và kinh tế chứ không phải quân sự.
Nhà kinh tế Kip Beckman thuộc Hội đồng hội nghị Canada, một tổ chức nghiên cứu độc lập, còn cho rằng kinh tế Trung Quốc cũng không phải yếu tố đáng ngại. Ông Beckman khẳng định kinh tế thế giới vẫn vận hành tốt, ngay cả khi kinh tế Trung Quốc không đạt mức tăng trưởng 2 con số như hiện nay. Theo hầu hết các chuyên gia, kinh tế thế giới đang rất cần kinh tế Trung Quốc duy trì mức tăng trưởng khoảng 10% để bù lại sự tăng trưởng đình đốn tại các nền kinh tế phát triển. Nếu nhịp độ tăng trưởng của Trung Quốc giảm xuống 5%-6% có thể làm giảm mạnh nhu cầu đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, vốn hỗ trợ rất nhiều cho các nước xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, theo ông Beckman, suy nghĩ thông thường này không phải lúc nào cũng đúng.
Chỉ có sự phát triển của quân đội Trung Quốc, theo phương Tây là chủ đề gây lo ngại cho nhiều nước láng giềng. Dù vậy, theo giới chuyên gia, dường như khả năng quân sự của Trung Quốc đã được phóng đại không chỉ bởi các cường quốc mà còn bởi chính Bắc Kinh. Theo báo Washington Post, ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài, đặc biệt là công nghệ của Nga. Ông Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm Phân tích công nghệ chiến lược Nga, cho hay, Trung Quốc cần một thập niên nữa mới có thể chế tạo được động cơ máy bay và có trong tay các công nghệ quân sự chủ chốt khác.
Nhiều người cho rằng Trung Quốc đã đạt được những bước phát triển mạnh về tàu ngầm. Tháng 10-2006, một tàu ngầm tấn công có động cơ diezel của Trung Quốc đã bí mật bám theo hàng không mẫu hạm Mỹ USS Kitty Hawk và chỉ cách có 6,4km mà không bị phát hiện. Mặc dù Bộ Quốc phòng Mỹ chưa bao giờ khẳng định thông tin này, nhưng vụ việc trên cũng đã làm dấy lên mối quan ngại rằng Trung Quốc có thể đe dọa các hàng không mẫu hạm Mỹ.
2 năm qua, Trung Quốc đã chế tạo được ít nhất một tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử, có trang bị tên lửa đạn đạo. Trong tương lai, hải quân Trung Quốc sẽ có thêm 5 tàu ngầm loại này. Tuy nhiên, Cơ quan Tình báo Hải quân Mỹ (ONI) nhận định tàu ngầm trên của Trung Quốc gây tiếng ồn rất lớn nên có thể sớm bị phát hiện ngay sau khi rời cảng. Còn giới chuyên gia và quan chức Mỹ cho rằng cần phải nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên nữa, Trung Quốc mới có thể chế tạo được loại tên lửa đạn đạo tấn công tàu chiến.
ĐỖ VĂN