Quan hệ Trung Quốc - Mỹ được dự báo nhiều căng thẳng trong thời gian tới sau những diễn biến gần đây. Nhất là việc Trung Quốc tăng cường các cuộc tập trận ở những vùng biển tại châu Á; trong khi Nhật Bản cũng vừa gia tăng ngân sách quốc phòng để đối phó với nhiều nguy cơ xung đột lãnh hải trong khu vực.
Đội tàu chiến của Nhật Bản
Trung Quốc muốn răn đe Mỹ?
Theo truyền hình CNN (Mỹ), tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc di chuyển trong nhiều khu vực ở Thái Bình Dương trong tuần qua là nhằm gửi đi thông điệp về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, đồng thời muốn cải thiện năng lực chiến đấu của hải quân nước này. Tàu Liêu Ninh chở máy bay chiến đấu J-15 diễn tập đối đầu trên không và tiếp nhiên liệu tại vùng biển Hoàng Hải vào tuần trước, sau đó hộ tống nhiều chiến hạm và tàu khu trục đi ngang Okinawa (Nhật Bản) và lãnh thổ Đài Loan, trước khi vào biển Đông vào đầu tuần này. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Yoshihide Suga cho biết, Nhật Bản theo dõi chặt chẽ hoạt động của hải quân Trung Quốc, đồng thời chỉ ra rằng Trung Quốc đang mở rộng năng lực chiến tranh trên biển.
Tờ Global Times của Trung Quốc thậm chí kêu gọi xây dựng đội tàu sân bay Trung Quốc sẵn sàng hoạt động ở Đông Thái Bình Dương và xây dựng căn cứ tiếp nhiên liệu ở Nam Mỹ. Báo này cho rằng sau cuộc diễn tập vừa qua, khả năng chiến đấu của tàu Liêu Ninh được tăng cường, có thể sớm vươn tới Đông Thái Bình Dương và ngoài khơi bờ Tây nước Mỹ. Tuy nhiên, theo giáo sư Carl Schuster, Đại học Thái Bình Dương Hawaii, khả năng Trung Quốc đóng mới tàu sân bay là có nhưng dùng tàu sân bay răn đe quân sự ở phạm vi rộng lớn thì chưa. Trung Quốc dự kiến đóng đội tàu sân bay 4 chiếc đến năm 2029. Nhưng theo giáo sư Schuster, với năng lực hải quân hạn chế nên đội ngũ nhân viên vận hành tàu sân bay là bài toán khó cho Trung Quốc. Bên cạnh đó, các tàu sân bay mới của Trung Quốc cũng chỉ có thể chứa 5 máy bay, bằng một nửa tàu sân bay của Mỹ.
Nhật Bản không chịu đóng vai phụ
Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống đắc cử Mỹ, Donald Trump từng nói: “Nhật Bản chỉ ngồi nhà xem ti vi Sony trong khi nước Mỹ bị tấn công”. Tuy nhiên, theo tờ The Wall Street Journal, lực lượng quân sự của Nhật Bản giờ đây có khả năng bắn hạ tên lửa của Triều Tiên nhắm vào nước Mỹ. Theo tờ báo này, hải quân Nhật Bản giờ đây còn lớn hơn cả Anh, có khả năng bảo vệ tàu Mỹ đi lại ở vùng biển châu Á. Mặc dù Nhật Bản tăng chi tiêu quốc phòng năm tài chính 2017 lên 5.100 tỷ yen (44 tỷ USD), tăng 1,4% so với năm 2016 và là năm thứ năm tăng liên tục, song ngân sách này chỉ chiếm khoảng 1% GDP. Ngân sách quân sự năm 2017 của Nhật Bản dành phần lớn cho hải quân với mục tiêu nâng tổng số tàu ngầm 17 chiếc hiện nay lên 22 chiếc vào năm 2021; tăng 12% ngân sách bảo vệ bờ biển, lên gần 2 tỷ USD. Bên cạnh đó, Nhật Bản dành 1,7 tỷ USD mỗi năm chi cho trên 54.000 quân Mỹ đóng tại Nhật Bản và gần 18 tỷ USD cam kết xây dựng căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Thái Bình Dương, bao gồm cả cơ sở mới ở miền Nam Nhật Bản (gần quần đảo Senkaku và Đài Loan), thậm chí cả trên các đảo Guam của Mỹ.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng tăng cường sâu sắc quan hệ chiến lược giữa các cường quốc mạnh nhất châu Á. Thỏa thuận giải quyết tranh chấp thời Thế chiến II với Hàn Quốc đã mở đường hợp tác chưa từng có giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc về phòng thủ tên lửa và các vấn đề khác. Nhật Bản cũng tăng cường hợp tác với Đông Nam Á, hỗ trợ hiện đại hóa kinh tế và quân sự. Tờ The Wall Street Journal kết luận: Bất cứ nơi nào có mục tiêu chiến lược của Mỹ ở châu Á, Nhật Bản cũng đang ngày càng sẵn sàng hỗ trợ.
THỤY VŨ (tổng hợp)