

Từ lúc Chính phủ Trung Quốc còn phải chật vật khó khăn trong việc nuôi sống và tạo việc làm cho số dân đông đúc của mình, đến nay, khi Trung Quốc đã trở thành thị trường hấp dẫn nhất thế giới, công xưởng vĩ đại và hiệu suất cao nhất thế giới, người ta chỉ còn có thể “đúc rút” một cách đầy ngạc nhiên: chưa từng có nước nào chơi trò chơi kinh tế toàn cầu hay bằng Trung Quốc và cũng chưa từng có nước nào làm “rung chuyển” trật tự kinh tế toàn cầu mạnh mẽ như Trung Quốc.
Với 12 chương, “Trung Quốc với tham vọng trở thành siêu cường như thế nào?” được xây dựng trên cơ sở những bài viết, bài báo, bình luận của Ted C.Fishman từng được đăng tải trên các báo và tạp chí The New York Times Magazine, Money, Harper’s, Worth, Esquire, USA Today, GQ, tạp chí Chicago và Business 2.0.
Bằng những trải nghiệm và va đập của chính bản thân, với một kiến thức rộng lớn và tư duy sắc sảo, cùng với những tìm tòi kỳ công và thái độ làm việc nghiêm túc, khách quan, khoa học, Ted C.Fishman đã “viết trang cuối cùng của cuốn sách với nhận thức rằng phải mất hàng chục ngàn cuộc đời mới có thể thấu hiểu được Trung Quốc”. Sách do Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành. Người dịch: Ngọc Tiến. Giá bìa: 87.000đ.
L.HƯƠNG
- “Mi là người bình thường”

Tập truyện ngắn “Mi là người bình thường” của Lê Đạt vừa được NXB Phụ Nữ ấn hành. Một số truyện trong tập đã in trong quyển “Hèn đại nhân” từ năm 1994, và một số truyện mới vẫn với phong cách “tập cổ” đặc biệt kỳ thú của Lê Đạt. Qua từng trang văn, người đọc nhận thấy ông đọc và cảm thụ vốn văn chương nhân loại cực kỳ tinh tế.
Đã vậy, với tư duy của một người sáng tác, Lê Đạt khai thác những tầng nghĩa đặc biệt, sâu thẳm, lắm khi là kỳ quặc qua những danh tác của người xưa. Các truyện ngắn Bài haiku, Bức cổ họa, Đám ma Sê Khốp thuộc dạng này, gieo vào lòng người đọc một chút dí dỏm thâm trầm đầy ý vị theo phong cách Á Đông.
H. THANH