Trung tâm dạy nghề vắng học viên

Trung tâm dạy nghề vắng học viên

Đầu tư xây dựng bề thế nhưng nhiều trung tâm dạy nghề tại tỉnh Kon Tum chỉ thu hút được ít học viên theo học. Nhiều gian nhà phục vụ cho việc dạy và học phải bỏ trống, số khác chuyển công năng thành nơi làm việc hoặc phòng ở cho giáo viên…

Trung tâm xây to, học viên èo uột

Từ năm 2010 đến năm 2014, tỉnh Kon Tum đã xây mới 6 trung tâm dạy nghề ở các huyện Ngọc Hồi, Đắk Glei, Sa Thầy, Đắk Hà, Kon Rẫy và Tu Mơ Rông. Các trung tâm dạy nghề thiết kế phòng ốc rất hoành tráng nhưng không sử dụng hết, gây lãng phí cơ sở vật chất.

Trung tâm Dạy nghề huyện Ngọc Hồi xây dựng từ năm 2012 với tổng kinh phí khoảng 14 tỷ đồng (trong đó vốn trung ương cấp 9 tỷ đồng, địa phương 5 tỷ đồng). Trung tâm có 7 dãy nhà, gồm dãy nhà làm việc, dãy nhà học lý thuyết, dãy nhà ăn, 2 dãy nhà thực hành, 2 dãy nhà ở cho học viên. Thời điểm chúng tôi đến thấy trung tâm vắng hoe, không có học viên. Cán bộ tại trung tâm cũng thừa nhận, trong số các dãy nhà trên, 2 dãy nhà thực hành (đào tạo nghề phi nông nghiệp) chưa sử dụng, phải đóng kín cửa, bụi bám đầy. Hai dãy nhà ở cho học viên (12 phòng) thì một dãy bố trí cho giáo viên ở, dãy còn lại được Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện sử dụng một năm nay. Ông Phan Lạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Ngọc Hồi, cho biết trung bình mỗi năm đào tạo khoảng 250 học viên, chủ yếu dạy nghề nông nghiệp (chiếm khoảng 85% so với kế hoạch). Việc xây dựng trung tâm là của cấp trên, đơn vị chỉ biết thụ hưởng.

1/2 dãy nhà này được huyện Ngọc Hồi giao Trung tâm Bồi dưỡng chính trị sử dụng làm văn phòng làm việc

Còn theo đại diện Phòng LĐTB-XH huyện Kon Rẫy, trung tâm dạy nghề huyện này được xây dựng năm 2011 với tổng kinh phí khoảng 12 tỷ đồng trên khuôn viên rộng 2,5ha với 7 dãy nhà, gồm 2 dãy nhà học lý thuyết, 1 dãy nhà ăn, 3 dãy thực hành, 1 dãy nhà làm việc. Trung bình mỗi năm trung tâm đào tạo khoảng 300 học viên, chủ yếu ngành nông nghiệp, trong khi chỉ tiêu hàng năm khoảng 500 học viên. Trung tâm cũng chưa khai thác hết cơ sở vật chất. Một số dãy nhà như dãy nhà học lý thuyết, thực hành phải đóng cửa. Tương tự, Trung tâm Dạy nghề huyện Đắk Hà cũng được xây dựng khang trang nhưng cũng trong tình trạng cửa đóng then cài, khuôn viên cỏ mọc um tùm.

Cỏ mọc bao trùm Trung tâm Dạy nghề huyện Kon Rẫy

Lúng túng sáp nhập

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐTB-XH Kon Tum, ngoài 3 trung tâm dạy nghề ở các huyện Ngọc Hồi, Đắk Hà và Kon Rẫy đã hoạt động thì 3 trung tâm còn lại chưa hoàn thiện bộ máy nên chưa hoạt động. Ông Quyền cũng thừa nhận các trung tâm dạy nghề trên chưa khai thác hết cơ sở vật chất.  Trong khi đó, nhiều huyện chưa có trụ sở trung tâm giáo dục thường xuyên nên phải ở nhờ, ở ghép với các cơ sở khác. Sắp tới, khi sáp nhập trung tâm dạy nghề với trung tâm giáo dục thường xuyên sẽ tận dụng được cơ sở vật chất đang dôi dư của trung tâm dạy nghề. Vừa qua, các sở ngành liên quan của tỉnh Kon Tum đã họp bàn về việc sáp nhập thí điểm Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Hà nhưng các bên tham gia chưa thống nhất được các nội dung như cơ quan chủ quản và tên gọi của trung tâm sau khi sáp nhập. Vấn đề này các bộ ngành cũng chưa có văn bản hướng dẫn nên địa phương còn lúng túng.

VÕ PHÚC

Tin cùng chuyên mục