Sau khi Báo SGGP phản ánh tình trạng bát nháo của những trung tâm luyện thi đại học cấp tốc tại TPHCM, những tưởng cơ quan chức năng sẽ vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh nhưng đến nay, hàng loạt trung tâm không giấy phép vẫn ngang nhiên tuyển sinh.
Nhiều “chiêu” tuyển sinh
Chỉ còn đúng 2 tuần nữa, kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011 bắt đầu. Tuy nhiên, hiện rất nhiều thí sinh đang hoang mang vì đã trót đóng tiền cho những trung tâm luyện thi “chui” nhưng thực tế giống như đang bị giam lỏng tại các trung tâm luyện thi cấp tốc.
Chiều 14-6, trong vai phụ huynh tìm chỗ luyện thi cấp tốc cho con, chúng tôi đến Trường THPT Đào Duy Anh trên đường Nguyễn Văn Luông (quận 6 TPHCM). Lịch học được niêm yết trên bảng nhưng toàn là khối D. Chúng tôi thắc mắc, một nhân viên của trung tâm giải thích: “Hiện nay, trường mới luyện thi khối này còn mấy khối khác chưa có người đăng ký…”.
Về học phí và chỗ ở nội trú, một phụ nữ tên Quý cho biết: “Giá học phí trọn gói là 3,6 triệu đồng/khóa/em”. Sau một vài lời hỏi thăm, dò xét, chị Quý dẫn chúng tôi xem chỗ ở, căng tin. Kết thúc chuyến tham quan, chị Quý lẩm nhẩm: “Hồi nãy tôi tính học phí bị nhầm, giá chính xác là 4,4 triệu đồng/khóa/em”. Thấy chúng tôi thắc mắc sao trung tâm ít thí sinh đăng ký luyện thi, chị Quý nhanh miệng: “Ở đây không chạy theo số lượng nên anh yên tâm. Mỗi lớp có vài học sinh thôi nên ngày mai anh hãy đưa em đến đây để trường xếp lớp học chứ đến ngày 15-6, các em biết điểm thi tốt nghiệp là đến đăng ký đông lắm đó”.
Cách địa điểm này chừng 200m, Trường THPT Quốc Trí cũng treo băng rôn luyện thi đại học cấp tốc các khối A, B, D. Đơn vị này đưa ra 3 mức giá: 2,3 triệu đồng, 3,25 triệu đồng và 5,75 triệu đồng/khóa/em. Tại phòng ghi danh, một nhân viên nữ tư vấn: “Trường luyện thi mỗi lớp 30 em và toàn là các thầy cô có uy tín ở các trường công và trường chuyên dạy nên tỷ lệ đậu rất cao”. Nhìn chúng tôi lưỡng lự, cô nhân viên liền bỏ nhỏ: “Hiện nay, trường mới có một lớp thôi nên sáng mai anh đưa em đến đóng tiền trước 7 giờ để vào học luôn”.
Lần theo bảng quảng cáo, chúng tôi đến hàng loạt trung tâm luyện thi như M.U. (phường 12, quận 10), Đ.T. (cư xá Chu Văn An, phường 16, quận Bình Thạnh), T.Đ. (phường 25, quận Bình Thạnh)... dù không có giấy phép nhưng vẫn nhộn nhịp thu tiền, mở lớp.
Trong khi đó, các trung tâm luyện thi “chui” ở khu vực ngoại thành cũng ra sức tung hoành với nhiều chiêu thu hút người học hấp dẫn. Với băng rôn: “Trung tâm luyện thi chất lượng cao, lớp đặc biệt, đảm bảo đậu 100%, học phí 1 triệu đồng/môn, mở lớp trong ngày…”, Trung tâm V.I.C.T. trên đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức) luôn tấp nập. Trong khi đó, chỉ là trung tâm gia sư nằm trong xưởng cơ khí nhưng Trung tâm gia sư Nhân Tài (quận 9) treo băng rôn quảng cáo là Trung tâm luyện thi ĐH Nhân Trí đảm bảo “Luyện thi là đậu đại học, cao đẳng”. Học phí được trung tâm này chia làm 3 mức: 8 triệu đồng/khóa (lớp học 5 học sinh/học 2 buổi/ngày); 4 triệu đồng/khóa (lớp 15 học sinh, học 2 buổi/ngày) và 2 triệu đồng/khóa (lớp 20 học sinh, học 1 buổi/ngày)…
Điệp khúc quản không xuể
Chuyện hàng loạt trung tâm luyện thi không phép bùng nổ không chỉ khiến cấp quản lý phải đau đầu mà khiến thí sinh đối diện nguy cơ “tiền thật học giả” khi lỡ vào những trung tâm luyện thi dỏm.
Khi đặt vấn đề tại sao tình trạng các trung tâm luyện thi chui năm nào cũng có, đại diện Phòng Giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT TPHCM thừa nhận: “Chúng tôi quản lý không xuể, không thể đi hết được”. Lý giải về những khó khăn trong khâu quản lý, ông Phạm Anh Ba, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên (Sở GD-ĐT) cho biết: “Các trung tâm gia sư, trung tâm luyện thi không giấy phép ngay sau khi tốt nghiệp ra sức tung hoành. Sau đó, những cơ sở này… cuốn chiếu nên cơ quan quản lý cũng khó kiểm tra, xử lý. Hơn nữa, thời điểm những trung tâm này hoạt động ngay vào lúc các phòng ban của Sở GD-ĐT phải tham gia công tác chấm thi nên không có người để kiểm tra”.
Như vậy, với cách quản lý lỏng lẻo, đồng thời thiếu sự phối hợp giữa các cấp như trên, cơ quan chức năng dường như hoàn toàn bị động trong khâu kiểm tra cũng như phát hiện các trung tâm hoạt động không giấy phép. Thậm chí, dù có lập biên bản xử phạt nhưng các trung tâm vẫn ngoan cố thì đơn vị quản lý cũng chưa có biện pháp mạnh tay để xử lý.
* Trong bài viết “Bát nháo trung tâm luyện thi cấp tốc”, chúng tôi đã phản ánh 2 trung tâm luyện thi “chui” trên đường Nguyễn Cửu Đàm (quận Tân Phú) là Trung tâm Gia sư – Luyện thi đại học Nhân Tài và Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa – Luyện thi đại học chất lượng cao Tân Phú. Mặc dù đoàn kiểm tra của Sở GD-ĐT TPHCM và địa phương đã lập biên bản xử phạt, yêu cầu ngưng hoạt động, tháo gỡ bảng hiệu, hoàn trả lại học phí cho thí sinh, tuy nhiên, trong ngày hôm qua 16-6, mọi hoạt động tại 2 trung tâm trên vẫn diễn ra bình thường. Trả lời vấn đề tại sao 2 đơn vị này đã bị lập biên bản và buộc ngưng hoạt động nhưng đến nay vẫn hoạt động, ông Tạ Tân, Trưởng phòng Giáo dục quận Tân Phú cho rằng: “Chuyện này tôi không rõ, để tôi hỏi lại nhân viên” (?!). |
Thanh Hùng – Mỹ Hằng