Theo ông Đoàn Thế Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định thiết kế ban đầu của trung tâm chỉ đảm bảo quản lý, nuôi dưỡng 400 người tâm thần. Nhưng thời điểm hiện tại, số người tâm thần tại trung tâm đã lên tới 507 người, gây khó khăn cho công tác quản lý, chăm sóc đối tượng.
Khó khăn chồng chất
Chăm sóc và quản lý đối tượng tâm thần vốn là công việc hết sức vất vả. Với số lượng đông như hiện nay, áp lực dồn lên đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp làm công tác chăm sóc, quản lý đối tượng lại gấp bội. Trong số hơn 500 người tâm thần, có 10 đối tượng đã gây án tại cộng đồng; 30 đối tượng hung hãn, nguy hiểm. Phần đông đối tượng đều có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn hoặc lang thang, vô gia cư (do đoàn công tác liên ngành tập trung đưa vào trung tâm) lại mắc các bệnh hiểm nghèo, dễ lây nhiễm như: ung thư phổi, lao phổi, tim mạch, cao huyết áp… Tình trạng đau ốm phải nhập viện diễn ra khá thường xuyên. Những lúc như vậy, cán bộ trung tâm phải thay phiên túc trực, chăm nuôi khá vất vả.
Người bệnh nhận thuốc từ nhân viên y tế tại Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn.
Hạn chế tiếp nhận
Bà Nguyễn Thị Thế Vy, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTB-XH tỉnh Bình Định), cho biết: “Thời gian qua, nhiều gia đình gửi hồ sơ về sở đề nghị nuôi dưỡng, quản lý người thân mắc bệnh tâm thần tại Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn. Tuy nhiên, với tình trạng quá tải tại trung tâm như hiện nay, chúng tôi chỉ có thể xét nhận những trường hợp không còn người thân hoặc đối tượng hung hãn, có khả năng gây án tại cộng đồng để tránh ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương. Số còn lại vẫn phải đề nghị gia đình tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng”.
Năm 2016, Sở LĐTB-XH tỉnh Bình Định giao cho Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn chỉ tiêu là 512 đối tượng (gồm 450 đối tượng do ngân sách nuôi và 62 đối tượng xã hội hóa). Căn cứ vào số lượng hiện tại đã lên tới 507 đối tượng thì số người tâm thần được tiếp nhận thêm trong thời gian tới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Một vấn đề đáng nói là các đối tượng khi đã được điều trị ổn định theo kết luận của bác sĩ chuyên khoa tâm thần, có thể cho về nhà để giảm áp lực tại trung tâm cũng như mở ra cơ hội chăm sóc, nuôi dưỡng trường hợp mới, nhưng đáng tiếc là gia đình người bệnh đều từ chối nhận về. Nhiều gia đình cho rằng còn quá khó khăn về kinh tế nên không đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng người thân. Rất nhiều gia đình sau khi đưa người bệnh về nhà chăm sóc, một thời gian lại tái phát bệnh. Vậy nên, ở lần đề nghị tiếp theo đưa thân nhân về nhà, họ đều lần lữa, từ chối khéo”, ông Tuấn trao đổi.
“Từ thời điểm thành lập năm 1979 đến nay, không có một bác sĩ nào chịu về công tác tại trung tâm bởi đặc thù công việc và chế độ ưu đãi thiếu hấp dẫn. Trung tâm chỉ có 3 y sĩ và 3 điều dưỡng. Hiện trung tâm đang đề nghị cấp trên cho trung tâm hợp đồng thêm lao động có trình độ chuyên môn y tế và đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp hạ tầng để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao”, ông Tuấn chia sẻ.
NHUNG OANH