Trong các cuộc thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội cuối tuần qua về tình hình kinh tế xã hội của đất nước, “tái cơ cấu” là một trong những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất. ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) nêu vấn đề: “Tái cơ cấu nền kinh tế đang trở thành vấn đề nóng bỏng. Nhưng bản thân tôi - và tôi chắc nhiều ĐBQH khác cũng vậy - còn rất băn khoăn về việc cụ thể là chúng ta sẽ làm gì để thực hiện nhiệm vụ đó”. ĐB Mạo cho rằng, tái cơ cấu nền kinh tế trước hết chắc chắn phải bắt đầu từ khu vực kinh tế nhà nước, thế nhưng tiến trình đó đã và sẽ như thế nào, đến nay vẫn chưa rõ.
Ở một diễn biến khác, nguồn tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước do bộ chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ được trình lên Chính phủ vào tháng 11 năm nay nhiều khả năng “lỗi hẹn”. Bản dự thảo cơ bản đã hoàn thành, nhưng chính các tác giả không yên tâm vì nhiều lý do, trong đó có một lý do tưởng nhỏ mà không nhỏ: số liệu thống kê thiếu độ tin cậy. Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Lê Xuân Bá nhận định, nếu tình hình các doanh nghiệp nhà nước đúng như số liệu của Tổng cục Thống kê thì “quá tốt, chẳng cần phải cải cách gì nữa”.
Nhưng vấn đề ở chỗ, nếu không tin vào các con số của Tổng cục Thống kê (vốn do các doanh nghiệp tự báo cáo lên), thì các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách cho biết họ gần như chẳng có nguồn thông tin đáng tin cậy nào khác! Việc tạm thời chưa báo cáo Đề án lên Chính phủ có thể là việc làm thể hiện tính trách nhiệm cao, nhưng dừng rồi thì sao nữa có vẻ như vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời rõ ràng.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP bên lề kỳ họp Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cũng chưa hài lòng với lý do thiếu số liệu. Ông Kiên cho rằng để có được những số liệu xác thực, biểu mẫu thống kê và cách nêu câu hỏi để doanh nghiệp báo cáo là yếu tố rất quan trọng. “Nếu quả thực Tổng cục Thống kê chỉ đưa ra những con số dựa trên việc cộng trừ cơ học số liệu do các doanh nghiệp báo cáo thì vai trò của họ quá đơn giản! Ngoài ra, còn rất nhiều nguồn số liệu khác phải tham khảo như báo cáo hoạt động kinh doanh, báo cáo chốt lời - lỗ trên thị trường chứng khoán, báo cáo của thanh tra, kiểm toán, cơ quan thuế, cơ quan giám sát của Quốc hội…”, ông nói.
Điều khó khăn hơn cả trong quá trình tái cơ cấu, theo ông Kiên, nằm ở chỗ cần phải đưa ra sự lựa chọn quyết liệt giữa việc vực dậy doanh nghiệp nào, buộc doanh nghiệp nào phải phá sản, sáp nhập, giống như một bệnh nhân buộc phải uống thuốc đắng hay chịu đau để trải qua một ca mổ xẻ, cắt bỏ những bộ phận đã hoại tử. Nói thẳng với người bệnh điều đó đã là khó, nên có khi chính vị “bác sĩ” cũng trù trừ, trì hoãn (phải chăng CIEM cũng ít nhiều gặp cái khó tương tự?), nhưng việc thực hiện điều trị lại còn khó hơn… Và nếu phải lựa chọn quyết liệt, vì không có đủ thuốc bệnh, thuốc bổ cho tất cả thì phải lựa chọn những doanh nghiệp có khả năng hồi phục và lớn mạnh chứ không phải ngược lại!
ANH THƯ