Vụ Công ty CP Dịch vụ Sonadezi Long Thành (Sonadezi) xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Đồng Nai làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đời sống, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân ở huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai mà báo chí đăng tải thời gian qua, đang gây bức xúc dư luận về một kiểu kiếm lợi bất chính, bất chấp lợi ích cộng đồng. Có thể gọi vụ vi phạm này là “Vedan 2”, bởi tính chất, mức độ và sự thiệt hại về sức khỏe của người dân và lợi ích của cá nhân, tổ chức trong cộng đồng là không thua kém.
Trong những ngày đi thực tế tìm hiểu mức độ thiệt hại mà Sonadezi xả thải ra môi trường, tận mắt chứng kiến những “cánh đồng chết” - mà trước kia là những đồng lúa, những vườn cây trĩu quả, những đàn gia cầm, gia súc, ao cá của người dân xã Tam An, chúng tôi thấy đau lòng về những thiệt hại môi trường do những người thiếu trách nhiệm gây ra. Nhiều hộ dân bỗng chốc trắng tay, từ cuộc sống khá giả, đủ đầy trở thành lao động làm thuê, nợ nần chồng chất vì hậu quả ô nhiễm môi trường.
Càng bức xúc hơn khi biết được nhiều năm qua hàng chục hộ dân đã nhiều lần viết đơn kêu cứu gửi đến nhiều cơ quan có thẩm quyền, nhưng không đơn vị hoặc cá nhân có trách nhiệm nào trả lời cho họ. Tất cả những nơi mà họ gửi đơn tới đều vô cảm trước những thiệt hại mà họ phải gánh chịu nhiều năm qua.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 nghiêm cấm thải chất thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường, các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước. Luật còn quy định một loạt hành vi xâm hại môi trường khác cần nghiêm cấm và coi đó là tội ác, là tác nhân hủy hại môi trường sống của con người. Điều 23 của luật này cũng nói rõ: “Niêm yết công khai tại địa điểm thực hiện dự án về các loại chất thải, công nghệ xử lý, thông số tiêu chuẩn về chất thải, các biện pháp bảo vệ môi trường để cộng đồng dân cư biết, kiểm tra, giám sát…”.
Câu hỏi được đặt ra: Từ nhiều năm qua Sonadezi và hàng ngàn doanh nghiệp khác có thực hiện điều này và khi họ vi phạm thì đã xử lý được bao nhiêu…? Câu trả lời là rất ít, thậm chí không có. Cụ thể, từ ngày có Luật Bảo vệ môi trường và có lực lượng cảnh sát môi trường, cả nước chỉ có hơn 100 vụ vi phạm môi trường bị xử phạt hành chính. Đặc biệt, không có vụ vi phạm môi trường lớn nào bị truy tố trước pháp luật. Ngay vụ Công ty Vedan xả thải gây thiệt hại cho hàng ngàn người với mức thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tinh thần không thể tính được bằng tiền, cũng không có cá nhân, tổ chức nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Dư luận đang chờ kết quả xử lý của vụ Sonadezi và rất mong các cơ quan chức năng hãy làm đúng pháp luật, để góp phần ngăn chặn tội ác về môi trường đang ngày càng diễn ra phức tạp, làm băng hoại môi trường sống.
Hoài Nam