Trứng truy xuất nguồn gốc “đắt hàng”

Trứng gà truy xuất được nguồn gốc đang thu hút người tiêu dùng tại các siêu thị trong những ngày qua.

 

 

Người tiêu dùng mua trứng có truy xuất nguồn gốc tại siêu thị Co.opmart Đinh Tiên Hoàng
Người tiêu dùng mua trứng có truy xuất nguồn gốc tại siêu thị Co.opmart Đinh Tiên Hoàng
Ghi nhận tại kệ trưng bày trứng gia cầm ở siêu thị Co.opmart Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh, TPHCM) và AEON Mall Bình Tân, chúng tôi chứng kiến cảnh nhộn nhịp khách hàng đứng xếp hàng chờ tới lượt dùng điện thoại thông minh quét mã vạch tem dán trên bao bì để truy xuất nguồn gốc quả trứng trước khi quyết định mua. Do đông người nên nhân viên siêu thị cùng phối hợp với nhân viên ngành hàng phải túc trực tại kệ trứng để hướng dẫn tải phần mềm và cách quét cũng như xem thông tin. 

Vừa bỏ vào giỏ 2 vỉ trứng vịt loại 10 trứng/vỉ mang thương hiệu Ba Huân, bà Phạm Thị Minh (ngụ quận 1) nhận xét, việc truy xuất được nguồn gốc trứng càng tạo lòng tin hơn cho người tiêu dùng. Dù sản phẩm vào siêu thị đã được nhà bán lẻ kiểm soát nhưng khi có tem truy xuất thì người dân an tâm hơn. Trong tương lai, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn hàng gian, hàng giả kém chất lượng trên thị trường.

Loay hoay xem thông tin từ nhân viên siêu thị dùng điện thoại của mình quét trên quả trứng, bà Nguyễn Thị Tước (quận Bình Thạnh) cho biết: “Nếu theo lời của nhân viên ngành hàng chia sẻ, việc truy xuất có thể biết rõ quy trình sản xuất, kiểm soát, cảnh báo được dịch bệnh thì cách làm này rất đáng hoan nghênh vì đảm bảo được sức khỏe cho người tiêu dùng. Việc truy xuất nguồn gốc đối với trứng gia cầm cũng đảm bảo sự minh bạch của nhà sản xuất và tạo niềm tin cho người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn hàng Việt Nam”. Chị Ngô Thị Vân (ngụ quận 6) tâm sự, dùng phần mềm quét mã vạch tôi biết được nguồn gốc của trứng “ra lò” từ Công ty Vĩnh Thành Đạt. Qua đó, quả trứng có nguồn gốc từ trang trại Minh Tâm Phát (ở huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương), còn gà giống được nhập từ trại Quảng Lộc của Công ty Bel Gà. Vật nuôi được cho ăn bắp, đậu nành ngoại nhập, có cả thông tin về ngày tiêm chủng vaccine và xử lý soi chiếu kiểm tra trước khi bán ra thị trường. “Hiện nay, trứng gia cầm không rõ nguồn gốc được bán tràn lan ngoài đường, trên những chiếc xe đẩy… tù mù nơi xuất xứ nên tôi thường lựa chọn mua trứng trong siêu thị. Nay lại có thêm việc truy xuất được nguồn gốc, tôi càng yên tâm lựa chọn hơn. Nếu trong tương lai toàn bộ thực phẩm đều được truy xuất thì người dân sẽ không lo lắng với bữa ăn hàng ngày”, bà Vân chia sẻ.

Phóng viên Báo SGGP đặt câu hỏi với các siêu thị và Sở Công thương TPHCM về việc doanh nghiệp sản xuất thực hiện truy xuất nguồn gốc trứng đã tốn thêm chi phí nhưng vẫn bán giá bình ổn thì có chế độ ưu tiên nào? Bà Huỳnh Kim Thu Thủy, Giám đốc siêu thị Co.opmart Đinh Tiên Hoàng, cho biết: “Trong những ngày đầu đang còn thí điểm nên siêu thị để chung kệ với trứng chưa truy xuất được nguồn gốc. Thời gian tới sẽ có kệ dành riêng cho trứng được truy xuất để người tiêu dùng có thể dễ dàng lựa chọn. Ngoài ra, nhân viên siêu thị luôn sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn khách hàng thực hiện truy xuất để dần hướng đến việc thực hiện trên nhiều sản phẩm. Trong tương lai, siêu thị chỉ bán những mặt hàng có truy xuất nguồn gốc để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng”.

Còn bà Trần Thị Mộng Đào, Trưởng Quản lý ngành hàng thực phẩm, siêu thị AEON Mall Bình Tân cho biết: “Siêu thị luôn hỗ trợ những mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là thực hiện truy xuất qua con tem. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tương lai siêu thị chỉ nhận tiêu thụ sản phẩm có dán tem truy xuất nguồn gốc”. Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết: “Hiện có nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với trứng. Sở sẽ kiến nghị các siêu thị bố trí kệ riêng dành cho trứng truy xuất để tạo sự công bằng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, qua khảo sát cho thấy trứng gà nuôi công nghiệp chiếm 70% thị trường nên Sở Công thương thực hiện trên sản phẩm này trước. Sắp tới sẽ triển khai trên vịt, chim cút… nhưng tất cả đều phải nuôi công nghiệp chứ không áp dụng nuôi thả đồng”.

Tin cùng chuyên mục