Ở độ tuổi xưa nay hiếm và trải qua nhiều trận mạc, mang nhiều bí danh khác nhau nhưng lão tướng Lê Nam Phong vẫn luôn nhớ về thời gian 10 năm làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2.
1. Xuất thân là con nhà võ, tham gia Vệ quốc đoàn rồi trận đánh đồi Độc Lập trong chiến thắng Điện Biên Phủ, Trung tướng Lê Nam Phong, kể: “Đến bây giờ chắc tôi là vị tướng có nhiều biệt danh nhất. Các biệt danh đều là dấu ấn con người của tôi trong từng chiến trận, mặt trận. Hồi đánh trận Điện Biên Phủ, tôi còn trẻ và “sung” lắm. Lúc đó tôi là đại đội trưởng và khi tham gia trận đánh thì tôi quyết tâm… xuống tóc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thấy vậy đặt tên là “Đại đội trưởng đầu trọc”. Sau này là hàng loạt tên khác, như: Nam “Lửa” vì tính khí nóng nảy; Nam “Bình toong” vì mỗi lần trước khi vào trận chiến đấu là mở bình toong, rồi nốc một ngụm rượu; Nam “Hỏa lực” vì chỉ huy đánh trận nào là sử dụng hỏa lực rất mạnh. Nhưng tôi khoái nhất là tên “Bố Nam” do CB-CS, công nhân viên Trường Sĩ quan Lục quân 2 tặng”.
Ngày 15-10-1987, Bộ Quốc phòng quyết định bổ nhiệm ông Lê Nam Phong làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2. Từ một vị tướng ở chiến trường, ông trở thành một nhà giáo chuyên nghiệp của quân đội. Về trường, ông gặp lại nhiều đồng chí, đồng đội trước đây cùng ông tham gia chiến đấu trên các chiến trường và tiếp xúc, gần gũi với thế hệ học viên trẻ tuổi, sôi nổi.
Thời điểm ông Lê Nam Phong nhận nhiệm vụ mới, cũng là lúc Bộ Quốc phòng xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Nhiệm vụ nhà trường cực kỳ khó khăn với yêu cầu phát triển của chiến tranh trong tương lai. Làm sao để lực lượng sĩ quan vừa hồng vừa chuyên, có trình độ ngang tầm thế giới để tiến tới hội nhập? Làm sao kết hợp khoa học quân sự với chiến đấu, tác chiến? Hàng loạt câu hỏi đặt ra yêu cầu Đảng ủy, ban giám hiệu nhà trường phải giải quyết triệt để. “Yêu cầu đặt ra là giáo viên, cơ sở vật chất, thao trường phải đủ tiêu chuẩn đại học; thiết bị phải có chứ không dạy “chay” như trước. Cơ sở vật chất không khó, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đã quan tâm hỗ trợ chúng tôi trang bị máy vi tính, xây dựng trường lớp. Cái khó là con người để thực hiện. Một mặt, chúng tôi chuyển học viên đi học đại học bên ngoài, rồi tuyển sinh viên vào trường. Mặt khác, tôi tới các học viện, trường đại học bên ngoài để đưa giáo viên của trường đi học, nâng cao trình độ…”, ông Lê Nam Phong nói.
2. Khi đến các trường đại học, Học viện Lục Quân, ông Nam Phong đều trao đổi để mở lớp riêng cho các giáo viên Trường Sĩ quan Lục quân 2. Ông đề nghị được chịu hết mọi chi phí ăn, ở. Đặc biệt, với những khó khăn về vấn đề lưu trú, ông Nam Phong nói ngay: “Nếu khó khăn, tôi sẽ cho các thầy mang giường theo để ngủ nghỉ”. Nhờ năng động giải quyết các khó khăn, chỉ trong vòng 4 năm, 100% giáo viên trường đã có trình độ đại học, trong đó có nhiều đồng chí đạt trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. “Có thực mới vực được đạo”, lời dạy của các cụ xưa nay không sai. Để đưa giáo viên đi học, phải lo cho họ có đủ cái ăn, cái mặc. Chính vì vậy, mặc dù đã xin chủ trương của cấp trên nhưng khi chưa có văn bản đồng ý, ông Lê Nam Phong đã chủ động tìm biện pháp xây dựng, nâng cấp trường lớp và chia, cấp đất quốc phòng cho CB-CNV nhà trường.
Ông Lê Nam Phong kể: “Thấy tôi chia, cấp đất mà chưa có sự chỉ đạo của lãnh đạo, một lãnh đạo ở tỉnh Đồng Nai đã nói thẳng với tôi là ông tự tiện chia đất như vậy coi chừng đi tù đấy. Tôi cũng lo lắm. Sau đó, là khoảng thời gian dài tôi phải làm tường trình, kiểm điểm. Khi ra Hà Nội, tôi tranh thủ trình bày việc làm của mình với các cấp lãnh đạo cấp cao Bộ Quốc phòng. Rất may là các đồng chí Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Đoàn Khuê, Đào Đình Luyện đều ủng hộ. Các đoàn vào kiểm tra thấy cũng hợp lý và nhất là tôi vì tập thể, vì nhà trường chứ không vì cá nhân”.
Trung tướng Lê Nam Phong nhớ lại: “Một lần, tôi được mời dự lễ khánh thành một cái chợ khá bề thế ở TPHCM. Không biết vô tình hay hữu ý mà ban tổ chức lại phát loa: “Xin quý vị đại biểu và bà con yên tâm. Hôm nay, có đến 4 đại tá tham gia bảo vệ buổi lễ!”. Đành rằng làm gì cũng được, miễn là lương thiện nhưng sao lòng tôi vẫn xót xa, tê tái. Giá như 4 đồng đội của tôi có nghề nghiệp giỏi”. Từ đó, ông nung nấu quyết tâm mở thêm mục dạy nghề và tiến tới là tổ chức trung tâm dạy nghề. Hiện nay, trung tâm đã phát triển thành Trường Cao đẳng nghề số 8 Bộ Quốc phòng và trở thành một trong những đơn vị xuất sắc của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động Thương binh - Xã hội và cả của tỉnh Đồng Nai, địa bàn nhà trường đóng quân.
Đoàn Hiệp