Trung tướng Nguyễn Bình - Dấu ấn một tài năng, một nhân cách cộng sản

Trung tướng Nguyễn Bình (1908-1951) tên thật là Nguyễn Phương Thảo, là vị Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cuộc đời ông, những chiến công của ông cùng đồng đội, cùng nhân dân được viết nên như một huyền thoại. Tuy không có điều kiện học qua một trường quân sự nào, nhưng bằng tư duy, thực tiễn, sự gắn bó với dân, ông đã để lại những dấu ấn đặc biệt.
Tướng Nguyễn Bình (thứ hai, phải sang) cùng các đồng chí Lê Duẩn, Huỳnh Văn Nghệ, Dương Quốc Chính tại chiến khu D. (Ảnh tư liệu của Ban liên lạc đồng hương Hải Phòng tại TPHCM)

Tướng Nguyễn Bình (thứ hai, phải sang) cùng các đồng chí Lê Duẩn, Huỳnh Văn Nghệ, Dương Quốc Chính tại chiến khu D. (Ảnh tư liệu của Ban liên lạc đồng hương Hải Phòng tại TPHCM)

Tư lệnh chiến khu

Trung tướng Nguyễn Bình là một vị tướng mà những người cùng thời với ông và cả những thế hệ sau này đều nhận thấy “Cái đức, cái tài, cái dũng, cái nhân”, một vị tướng bằng hoạt động thực tiễn đã để lại những dấu ấn đặc biệt.

Trung tướng Nguyễn Bình cũng là người khởi xướng và cùng các đồng chí của mình đánh đồn giặc, tự trang bị vũ khí, tổ chức lực lượng vũ trang, lập Chiến khu Đông Triều (sau này là Chiến khu Trần Hưng Đạo). Trong Bộ Tư lệnh Chiến khu, ông được phân công chịu trách nhiệm về công tác tài chính, hậu cần, trang bị vũ khí; nhưng chính ông là người đã trực tiếp chỉ huy, trực tiếp chiến đấu hạ nhiều đồn bót địch, cổ vũ, lãnh đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền ở Quảng Yên. Cũng vì vậy, quần chúng nhân dân và đồng đội đều gọi ông là Tư lệnh Chiến khu.

Khi Nam Bộ kháng chiến, ông được Trung ương và Bác Hồ cử vào tổ chức và chỉ huy cuộc kháng chiến ở đây. Ngày 22-10-1945, ngay khi vào đến nơi, ông đã viết “Thông cáo số 1 gửi nhân dân Nam Bộ”. Thông cáo khẳng định: “Chúng ta quyết đánh và quyết thắng”. Ngay sau đó, ông triệu tập tất cả chỉ huy các lực lượng vũ trang ở Nam Bộ về họp tại An Phú Xã. Hội nghị nhất trí và bầu ông làm Tổng tư lệnh Giải phóng quân Nam bộ.

Tháng 6-1946, ông được Trung ương phê chuẩn kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 1-1948, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong quân hàm Trung tướng, và là vị Trung tướng đầu tiên của quân đội ta.

Tư duy quân sự sáng tạo

Trung tướng Nguyễn Bình là một tài năng quân sự thiên bẩm. Ông luôn nhìn nhận đúng về sức mạnh của quần chúng nhân dân, của lực lượng vũ trang cách mạng. Ngay khi Nhật vừa đảo chính Pháp, ông đã tổ chức và chỉ huy đánh đồn Bần Yên Nhân vào ngày 12-3-1945. Trận đánh gây tiếng vang lớn, không chỉ bằng kết quả tác chiến mà còn bởi đó là “trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc bộ” - như đánh giá sau này của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cách đánh “nở hoa trong lòng địch” còn được ông sử dụng nhiều lần để tiến công quân Pháp. Đáng chú ý là trận ông chỉ huy đánh đồn Đông Triều vào ngày 8-6-1945. Một trận đánh điển hình nữa do ông tổ chức, chỉ huy là trận tiến công trại Bí Chợ vào đêm 30-6-1945. Hình ảnh ông, với tư cách là người chỉ huy cả một chiến khu, dám đưa năm du kích với hai khẩu súng ngắn xông vào đồn có một đại đội địch là hình ảnh in đậm trong trái tim đồng chí, đồng đội.

Tư duy quân sự của Trung tướng Nguyễn Bình thể hiện sự sáng tạo trong kết hợp quân sự, chính trị với binh vận, địch vận ngay trong từng hoạt động quân sự, trong từng trận đánh. Tư duy ấy càng sắc sảo hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng và phát triển chiến tranh nhân dân khi ông được cử vào Nam bộ. Ông đã vận dụng sáng tạo quan điểm chiến tranh nhân dân trong giải quyết những vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với cuộc kháng chiến ở Nam bộ.

Ý thức rõ về vai trò và sức mạnh của quần chúng nhân dân, Trung tướng Nguyễn Bình luôn biết vận động quần chúng để lo việc cung cấp súng đạn, vũ khí, tiền bạc cho tổ chức chuẩn bị giành chính quyền. Khi được giao nhiệm vụ đánh địch, ông luôn chú trọng công tác binh vận, xây dựng lực lượng ngay trong lòng địch, phối hợp chặt chẽ với lực lượng này trong tiến công địch, trong khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Khi quay trở lại Sài Gòn, về Nam bộ trên cương vị mới, ông càng gần gũi với đồng bào các giới. Ông không chỉ có uy tín với công nhân, nông dân, mà giới trí thức cũng rất mến mộ và sẵn sàng theo ông. Với tư cách là Khu trưởng, ông vừa chỉ đạo công tác quân sự, chấn chỉnh và xây dựng lực lượng vũ trang, vừa chỉ đạo và trực tiếp tham gia công tác vận động quần chúng, nhất là giới trí thức.

Tướng Nguyễn Bình nổi tiếng là người kiên quyết, dũng cảm trong chiến đấu, rất nhân văn trong ứng xử với nhân dân, với bộ đội, với cấp dưới. Ngay cả với những người có suy nghĩ và hành động lầm lỡ, ông cũng khuyên nhủ, góp ý hết lòng. Ở ông còn lấp lánh một chút cái ngang tàng, như là một tính cách cương nghị, bộc trực nhưng luôn vì sự nghiệp cách mạng.

Nguyễn Phương Thảo - Nguyễn Bình, vị Trung tướng đầu tiên của quân đội, cũng là vị Tướng liệt sĩ đầu tiên đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Cuộc đời, sự nghiệp của ông mãi là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau học tập.

Thiếu tướng, PGS, TS VŨ QUANG ĐẠO

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

62 bài tham luận tham gia Hội thảo khoa học về Trung tướng Nguyễn Bình

Hôm nay 21-7, nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh Trung tướng Nguyễn Bình (30-7-1908 - 30-7-2023), Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học “Trung tướng Nguyễn Bình - nhà quân sự tài năng, đức độ”. Hội thảo nhằm khẳng định và tôn vinh những đóng góp, cống hiến của Trung tướng Nguyễn Bình đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Quân đội nhân Việt Nam, với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM.

Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 62 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố, các cơ quan nghiên cứu ở Trung ương và thành phố, quê hương Trung tướng Nguyễn Bình; Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố; các cơ quan, đơn vị; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu…

HỒNG HẢI

Tin cùng chuyên mục