Mặc dù là một cuốn sách dày 444 trang, được tác giả Madeline Miller dành đến hơn mười năm để hoàn thành, nhưng Trường ca Achilles (tựa gốc: The Song of Achilles) vẫn có vẻ như hơi quá nặng nề với đúng bản chất của nó. Vẫn là câu chuyện theo chân chàng hoàng tử Achilles từ những ngày thơ ấu cho đến khi về với cõi âm, nhưng phiên bản hiện đại theo lối kể kiểu Mỹ sẽ khiến độc giả tưởng như mình đang sống trong khung cảnh của những bản tình ca trẻ tuổi lãng mạn nhẹ nhàng theo phong cách của “chàng thơ” Troye Sivan.
“Hãy kể tên một vị anh hùng được hạnh phúc đi.” - Một lời thách đố tưởng chừng như đơn giản nhưng khiến ta ngỡ ngàng trước sự nghiệt ngã của thần thoại Hy Lạp, và Trường ca Achilles - phiên bản của Madeline Miller đã dùng chính đôi mắt với giá trị sống của những người trẻ sống trong thế kỷ 21 để nhìn thẳng vào những điều nghiệt ngã đó.
Rất nhiều giá trị đưa thế hệ trẻ hiện đại vào vòng xoáy bối rối tuổi trưởng thành được soi chiếu vào chính Trường ca Achilles. Mối quan hệ với các thành viên trong gia đình là một trong số đó. Cảm giác bị cha mẹ chối bỏ là như thế nào? Cảm giác khi người đời kỳ vọng bạn lớn lên phải là một “anh hùng”, trong khi không ai quan tâm rằng bạn là một đứa trẻ bị mắc kẹt trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc của cha mẹ sẽ ra sao?
Và khi được tự do bước ra cuộc đời rộng lớn, bạn sẽ chọn đi theo con đường mà người ta đã vạch sẵn ra cho mình, hay tìm kiếm một lộ trình hoàn toàn mới? Bạn muốn xã hội nhớ đến mình như thế nào? Bằng những điều mình đã chinh phục, hay bằng những bao dung và lòng nhân từ mà bạn trao đi cho người khác?
Trường ca Achilles là một câu chuyện tình trong sáng và đắm say, nhưng mỗi hình bóng phụ nữ xuất hiện giữa câu chuyện tình yêu này đều mang lại một dấu ấn đặc biệt. Nó lại càng hoàn thiện khúc ca tuổi trẻ đa sắc màu về những khát khao không bao giờ cũ của tình yêu và tình bạn.
Và độc giả càng bị cuốn vào câu chuyện ấy hơn, bởi vì dù ngập tràn những dại khờ và bồng bột của tuổi trẻ, ánh sáng của sự chân thành luôn dẫn lối cho mọi tâm hồn, dù là công chúa, hoàng tử hay thôn nữ, thường dân.
Những cơn hờn ghen có thể chỉ như những cơn mưa rào khiến cây cối tốt tươi hơn, nhưng sự cuồng nộ thực sự giữa các hoàng tử lại chỉ nổ ra khi không thể bảo vệ được người mà mình yêu quý. Đánh hạ được cả một tòa thành nguy nga, chiến thắng được biết bao anh hùng cái thế để làm gì, khi mà đến người mình trân quý nhất cũng không thể cứu sống?
Thay vì những vinh quang bất diệt, chính những nỗi buồn tưởng như man mác ủy mị ấy đã tạo nên vẻ đẹp có một không hai của Trường ca Achilles. Ngôn từ của Madeline Miller như có chất nhạc, nên chẳng cần phải dùng quá nhiều thủ pháp cầu kỳ để tạo ra cảm xúc cho từng đoạn văn.
“Bởi ai lại có thể hổ thẹn khi thua một nhan sắc như vậy chứ? Ngắm nhìn cậu thắng đã là đủ, được thấy gót chân cậu chớp nhoáng khi đạp cát tung bay, hay bờ vai nâng lên rồi hạ xuống khi cậu vượt qua những con sóng. Từng ấy thôi đã đủ rồi.”
Những mạch cảm xúc như vậy làm mới hoàn toàn câu chuyện cuộc đời của hoàng tử Achilles, kể cả với những người đã đọc thần thoại về chàng cả chục lần, xem đủ mọi phiên bản Hollywood khắc họa chàng trên màn ảnh. Khiến một chàng trai, một cô gái sống giữa thời đại của mạng xã hội và kinh tế chia sẻ có thể nhìn thấy đâu đó chính bản thân mình trong những nhân vật của thần thoại Hy Lạp, của thời kỳ chiếm hữu nô lệ và của những màn hiến tế nhẫn tâm, có lẽ Madeline Miller là một trong số rất ít tác giả có thể làm được điều đó.