

Ảnh 1
Trong gần 800 năm trị vì trong lịch sử dân tộc, 3 triều đại phong kiến lớn là Lý, Trần, Lê đã tạo dựng nên rất nhiều công trình văn hóa to lớn. Và có lẽ nổi tiếng nhất trong số đó là Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) đời Lý Thánh Tông, mùa thu, trung tâm dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối, vẽ tượng Thất Thập Nhị Hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng Thái Tử đến học ở đó...”.
Và đây được xem là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Văn Miếu trở thành một địa điểm mà hầu như ai đã đến Hà Nội đều khó lòng bỏ qua, bởi nơi đây chứa đựng trong từng hòn gạch, nếp ngói cả một hành trình gần ngàn năm của đất và người Hà Nội nói riêng và của cả dân tộc nói chung. Hành trình của truyền thống tôn sư trọng đạo và lòng hiếu học...

Ảnh 2
Được trùng tu, sửa chữa nhiều lần, nhưng Văn Miếu vẫn được xem là công trình được bảo tồn và gần với nguyên trạng ban đầu tốt nhất trong các di tích lịch sử trên địa bàn Hà Nội. Hai tấm bia Hạ Mã (ảnh 1) là nơi xưa kia dù công hầu hay khanh tướng, đi bằng võng lọng hay ngựa, hễ đi qua Văn Miếu đều phải xuống đi bộ ít nhất từ tấm bia “Hạ Mã” bên này sang tấm bia “Hạ Mã” bên kia mới lại được lên xe, lên ngựa. Khuê Văn Các (ảnh 2) với kiến trúc giản dị, tao nhã nhưng đầy phóng khoáng, được tạo dựng giữa những cây cổ thụ xanh tốt, cạnh giếng Thiên Quang đầy nước, được xem là viên ngọc trong khu di tích kiến trúc Văn Miếu này.

Ảnh 3
Với hiện trạng cũng như công tác bảo tồn, tôn tạo khá tốt, nên hầu hết khách du lịch nước ngoài đều rất thích thú khi đến tham quan Văn Miếu (ảnh 3). Có thể nói, đó là một trong những niềm tự hào của người Việt Nam đối với quốc tế, khi mà chúng ta có một ngôi trường gần cả ngàn năm tuổi (trong khi ngôi trường đại học nhiều tuổi nhất ở châu Âu cũng mới chỉ hơn 700 tuổi).
Cũng vì được xem là nơi hội tụ tinh hoa giáo dục của dân tộc, nơi khắc ghi tên tuổi những người đỗ đạt, thành danh qua đường học vấn ngày xưa, nên mỗi độ xuân về, Tết đến hay là đầu những mùa thi cử, các thanh thiếu niên từ mọi miền đất nước, có dịp về Hà Nội đều đến Văn Miếu để dâng hương. Họ đến đây với tấm lòng thành trước di sản lớn lao mà cha ông đã tạo dựng và để lại cho hôm nay. Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo đó vẫn luôn hiện hữu, rạng ngời ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ ngàn xưa đến nay...
Bài, ảnh: Trần Bình