Đến Trường Sa, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là không chỉ gió biển mà chính âm thanh vù vù của những cánh quạt gió quyện vào tiếng sóng đã để lại ấn tượng không quên. Chính những cái quạt gió đã làm Trường Sa lung linh trong ánh điện, như một đô thị hiện đại ở đất liền. Điện trên đảo sáng đến nhà từng hộ dân. Điện không chỉ làm cho Trường Sa gần hơn với đất liền mà còn giúp cải thiện đời sống của quân dân trên đảo.
Biến nắng, gió thành năng lượng sạch
Trên tất cả các đảo ở Trường Sa, điều dễ nhận thấy nhất là những cây quạt gió khổng lồ được gắn với những tua-bin điện được lắp đặt xung quanh đảo. Bên cạnh đó là hàng đèn đường sử dụng pin năng lượng mặt trời. Dẫn chúng tôi tham quan hệ thống điện sạch được sản xuất từ sức gió và năng lượng mặt trời trên đảo Song Tử Tây, thượng úy Thái Đàm Hồng cho biết, để quân và dân trên đảo có điện sử dụng là nhờ dự án năng lượng sạch và chiếu sáng quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.
Tại đảo Song Tử Tây có trên 20 trụ quạt gió và gần 500 tấm pin năng lượng mặt trời với lượng điện năng cung cấp cho đảo gần 900 kWh/ngày. “Hệ thống điện tại đây được ngầm hóa, các thiết bị hầu hết là tự động. Hệ thống điện gió sẽ tự động ngừng quay khi đã nạp đủ điện cho ắc-quy. Hệ thống đèn chiếu sáng sẽ tự động bật sáng khi trời tối và tự tắt khi trời sáng. Hiện đại hơn cả trong đất liền đấy chứ”, thượng úy Hồng nói.
Không riêng đảo Song Tử Tây mà tất cả các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 có điện suốt ngày đêm. Theo đại tá - Chính ủy Vùng 4 Hải quân Đặng Minh Hải, dự án tổng thể hệ thống năng lượng sạch, chiếu sáng quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 được Bộ Tư lệnh Hải quân và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam triển khai với tổng vốn đầu tư trên 400 tỷ đồng. Qua đó, các đơn vị đã triển khai xây dựng tổng số 21 nhà trạm, 118 tua-bin gió, 4.093 tấm pin mặt trời 220W, gần 4.200 bình ắc-quy 12V/230Ah, hệ thống cáp truyền tải và các phụ kiện khác…
Ngoài ra, trên 600 bộ đèn năng lượng mặt trời cũng được lắp đặt trên các đảo. Quân và dân huyện đảo Trường Sa có thể sử dụng điện 24/24 giờ, chấm dứt cảnh mỗi ngày chỉ vài giờ có điện như khi còn chạy máy phát điện diesel.
“Để nắng, gió Trường Sa biến thành nguồn năng lượng sạch hôm nay, ngoài chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của quân đội, chúng ta phải ghi nhận công sức của anh em trong các đơn vị thi công đã không quản điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa hình phức tạp nơi đầu sóng ngọn gió hoàn thành hệ thống. Hàng trăm tấn thiết bị đã được vận chuyển và lắp đặt tại các điểm đảo, nhà kỹ thuật thuộc huyện đảo Trường Sa...”, thượng úy Thái Đàm Hồng bộc bạch.
Cải thiện đời sống
Đảo trưởng đảo Song Tử Tây Phạm Xuân Hòa cho biết, việc đưa vào sử dụng hệ thống điện gió, điện mặt trời đã góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo thiêng liêng Tổ quốc. Bên cạnh đó, có điện, đời sống tinh thần của quân và dân trên các đảo được nâng cao. Giờ đây, người dân huyện đảo có thể xem ti vi, nghe đài hay đọc báo qua internet. Nguồn điện ổn định còn tạo điều kiện đưa các trang thiết bị y tế vào hoạt động, công tác chăm sóc sức khỏe cho quân và dân trên huyện đảo được tốt hơn…
Chúng tôi ghé thăm gia đình anh Hồ Ngọc Dương, một cư dân trên đảo Song Tử Tây. Anh Dương đón tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi như ti vi, tủ lạnh, điện thoại... Cháu Huy, con trai anh chị học lớp 2 đang cùng các bạn hàng xóm chăm chú xem đĩa phim hoạt hình do người nhà ở đất liền gửi ra. “Từ ngày có điện, không chỉ được xem tin tức thời sự trong nước và thế giới nhiều hơn mà cuộc sống của gia đình được cải thiện rõ rệt. Nhà nào cũng có tủ lạnh để thức ăn tươi, làm nước đá, con cái học hành cũng tốt hơn. Cuộc sống người dân ngoài đảo với đất liền như không còn khoảng cách… Nói thật, ở đất liền nhiều khi còn mất điện chứ ngoài này hiếm khi mất điện lắm”, anh Dương khoe.
Đến gia đình chị Nguyễn Thị Mạnh Kiều, cả nhà chỉ đang quây quần hát karaoke. Chị Kiều cho biết, cuộc sống của cư dân đảo hiện nay không khác nhiều so với đất liền. Từ ngày có điện, đời sống tinh thần được tăng lên rõ rệt. Nhà nào cũng có dàn karaoke để giải trí sau một ngày làm việc mệt nhọc. “Hôm nào không hát karaoke thì gọi điện thoại về đất liền hỏi thăm họ hàng, bạn bè, người thân. Lúc nào cũng cảm thấy gần gũi”, chị Kiều tâm sự.
“Từ ngày có nguồn điện tự sản xuất, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo đã thay đổi hẳn. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại đảo rôm rả hơn, thông tin thông suốt. Việc học tập, sinh hoạt, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của các chiến sĩ trên đảo cũng thuận tiện hơn. Khoảng cách Trường Sa với đất liền ngày càng gần...”, thượng tá Nguyễn Hữu Lục, Đảo trưởng đảo Trường Sa Lớn, tâm sự.
HỒ THU
|