Lần ấy trở về Long Khốt tôi như người mộng du. Xế chiều, hoàng hôn như máu ở cuối chân trời. Màn đêm đang từ từ buông xuống. Người xưa bảo, thời khắc ấy thiêng lắm. Người cõi dương có thể gặp được người cõi âm. Tôi không hoàn toàn tin như thế, nhưng khi đặt chân vào vùng đất bảo tàng đã thấm đậm bao máu xương đồng đội, tôi thấy người mình khác lạ. Tất cả các giác quan bấy lâu nay như ngủ quên bỗng bừng thức dậy. Nắm nhang trên tay bập bùng. Tôi chạy ra bờ sông. Văng vẳng đâu đây từ lòng sông hay từ cánh đồng biên giới vang lên tiếng cười nói của đồng đội. Mới đó mà đã hơn 40 năm rồi…
Lời khẩn cầu từ Long Khốt...
Đêm lửa trại diễn ra ngay tại mảnh đất mà đồng đội tôi đã ngã xuống cách đây mấy chục năm. Cảm động và linh thiêng lắm. Bỗng nhiên tôi trở thành nhân chứng lịch sử. Các chiến sĩ biên phòng còn rất trẻ và nam thanh nữ tú ở vùng biên giới Tây Nam nắng gió này chăm chú nghe tôi kể chuyện. Có người xúc động không cầm được nước mắt. Đêm ấy, tôi không sao ngủ được.
Chi khu Long Khốt ngày xưa và đồn biên phòng Long Khốt bây giờ khác nhau một trời một vực. Đó là ngưỡng của cái chết và sự sống, là ranh giới của thảm họa và bình yên. Máu xương đồng đội tôi đã đổ xuống nơi đây nhiều quá mới có sự sống và giây phút bình yên hôm nay. Phải làm gì với những người đã khuất? Sau chuyến công tác, tôi bày tỏ nỗi trăn trở ấy với những người bạn chiến đấu, đồng đội một thời. Trình Tự Kha, Nguyễn Đức Quang, Trần Văn Tuấn, Nguyễn Hoàng Sơn và những người khác. Phải xây dựng một ngôi đền, đúc một quả chuông để thờ cúng đồng đội. Phải làm ngay. Làm ngay thôi!
Lời khẩn cầu của chúng tôi với đồng đội thật linh nghiệm. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm con đường vận tải quân sự chiến lược mang tên Bác, sau chuyến đi viết phóng sự dài ngày dọc Trường Sơn, Nguyễn Đức, một cựu chiến binh (CCB) của đoàn pháo binh Biên Hòa năm xưa đưa ra sáng kiến: Tổ chức một chương trình thu hút nguồn lực xã hội lo cho Trường Sơn. Và, chương trình Nghĩa tình Trường Sơn (CT NTTS) ra đời.
Nghe chúng tôi trình bày ý tưởng, các anh lãnh đạo thành phố và trung ương nhiệt tình ủng hộ. Trước đêm phát động Chương trình NTTS giai đoạn I, anh Sáu Phong - Nguyễn Minh Triết, lúc đó là Chủ tịch nước tiếp chúng tôi ngay tại nhà riêng ở phố Kỳ Đồng, thành phố Hồ Chí Minh. Nên làm, rất nên làm. Mình ủng hộ các cậu, ủng hộ Báo SGGP. Ngay hôm sau, chúng tôi nhận được thư chúc mừng của Chủ tịch nước. Các doanh nghiệp và bạn đọc cả nước hưởng ứng mạnh mẽ.
Anh Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương VN (Vietcombank), một CCB thời chống Mỹ thông báo, chúng tôi sẽ đồng hành với SGGP. Và lời hứa của người đứng đầu một trong những doanh nghiệp lớn nhất đất nước đã thành hiện thực. Ngay đêm gala phát động giai đoạn I chương trình NTTS, Vietcombank đã cam kết ủng hộ hơn 40 tỷ đồng để làm việc nghĩa tình.
Cùng với Vietcombank, các tập đoàn kinh tế và cả những bạn đọc bình thường của Báo SGGP đã đồng hành với NTTS. Tập đoàn Dệt May VN, Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN, Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Quỹ Thiện Tâm, Tổng Công ty CP Phong Phú, Tổng Công ty CP Quê Hương, Công ty CP Đức Khải, Công ty PepsiCo VN, Công ty Golf Long Thành… là những địa chỉ đỏ nghĩa tình của bà con các dân tộc dọc đường Trường Sơn huyền thoại và của các gia đình CCB đã từng sống và chiến đấu trên dãy Trường Sơn hùng vĩ trong những năm chống Mỹ cứu nước.
Đêm linh thiêng bên bến phà Long Đại
Dường như ai là lính chiến thời chống Mỹ cũng đều biết tiếng bến phà Long Đại. Đây là điểm chốt giao thông có ý nghĩa chiến lược ở đầu tuyến đường vận tải quân sự chiến lược mang tên Bác. Nơi đây là trọng điểm đánh phá của địch. Hàng trăm bộ đội, TNXP và dân quân du kích đã hy sinh hoặc để lại một phần thân thể nơi đây. Cũng vì lẽ đó, Ban tổ chức CT NTTS và nhà tài trợ Vietcombank phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Bình xây dựng tại bến phà Long Đại năm xưa một đền thờ các anh hùng, liệt sĩ với vốn đầu tư ban đầu lên tới trên mười tỷ đồng. Công trình được giao cho Tỉnh đoàn Quảng Bình làm chủ đầu tư. Đêm trước ngày khởi công là một đêm linh thiêng, huyền thoại.
Theo phong tục của dân tộc ta, trước khi xây dựng một công trình nào đó, tùy tầm mức khác nhau đều làm lễ động thổ. Và, lễ động thổ xây dựng đền liệt sĩ Long Đại thực sự là một sự kiện chính trị ấn tượng - một nét đẹp văn hóa tâm linh. Đến bây giờ nhắm mắt lại tôi vẫn còn hình dung được gương mặt và những giọt nước mắt trên khuôn mặt dạn dày sương gió của vị tướng đã từng một thời làm Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn.
Trong khói nhang nghi ngút, giữa đêm khuya thanh vắng, bên bờ sông Long Đại huyền bí, linh thiêng, vị tướng ấy như được gặp lại người chiến sĩ lái xe của mình đã hy sinh trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Dẫu chỉ là ước lệ, nhưng câu chuyện giữa họ làm mọi người cảm động. Đúng là không có tình cảm nào bằng tình đồng chí, đồng đội – thứ tình cảm được đổi bằng xương máu như màu cờ Tổ quốc mãi mãi thắm tươi, không thể phai mờ.
Những giá trị được tạo nên bằng máu - tôi nghĩ thế và tự lý giải cho mình, vì sao công việc của chúng tôi đi đến đâu cũng được mọi người ủng hộ. Cấp ủy, chính quyền, đặc biệt bộ đội biên phòng dọc các tỉnh, thành phố có đường Trường Sơn đi qua đều vào cuộc một cách mạnh mẽ.
Bằng sức mạnh tổng hợp ấy, trong thời buổi kinh tế suy giảm, làm ăn khó khăn này, chúng tôi đã vận động được gần 60 tỷ đồng, xây dựng và bàn giao được hơn 700 căn nhà tình nghĩa, 4 bệnh xá quân dân y, trao tặng hàng ngàn suất học bổng cho con cháu CCB Trường Sơn và hàng chục công trình dân sinh khác. 2 đền thờ liệt sĩ và một làng văn hóa cho đồng bào dân tộc Vân Kiều đang ở giai đoạn hoàn công.
Đêm linh thiêng bên bến phà Long Đại phần nào lý giải cho chúng tôi nguyên cớ đó, nó như liều thuốc tiên tiếp sức cho chúng tôi trên con đường đền ơn, đáp nghĩa.
Cuộc hẹn từ trái tim
Cách đây không lâu, tôi gặp TS Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) tại một cuộc hội thảo về trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Như đã theo sát từng bước đi của chúng tôi, TS Huy Hùng nói: Được đấy, qua báo chí, chúng tôi thấy Chương trình NTTS của Báo SGGP làm có ý nghĩa nhân văn và hiệu quả thiết thực. Khi nào ra Hà Nội, mời các anh ghé thăm Vietinbank, chúng ta có thể cùng trao đổi. Và như đã hẹn, chuẩn bị cho giai đoạn II CT NTTS, trong một chuyến công tác gần đây, chúng tôi đã đến thăm Vietinbank.
Dù đang bận họp Quốc hội, TS Phạm Huy Hùng cũng tranh thủ giờ nghỉ trưa về tiếp chúng tôi. Nghe chúng tôi trình bày kế hoạch giai đoạn II CT NTTS, TS Hùng gọi ngay “bộ máy” của mình vào và thông báo cam kết ủng hộ CT NTTS của Báo SGGP 52 tỷ đồng để xây dựng 600 căn nhà tình nghĩa, 5 bệnh xá và 1 đền thờ liệt sĩ. Phải sớm hoàn thành khảo sát đối tượng thụ hưởng và các thủ tục để giải ngân dứt điểm trong năm 2012 – TS Phạm Huy Hùng hào hứng, gút lại. Đúng là cuộc hẹn tiền định – cuộc hẹn từ trái tim.
Hôm sau bay vào Vinh, Đại tá Đinh Ngọc Văn, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Nghệ An cử người đưa chúng tôi đi khảo sát địa bàn, nơi đặt cột mốc cây số 0 của đường TS – HCM thuộc huyện Tân Kỳ. Lại có dịp trở về điểm xuất phát của mình hơn 40 năm trước, lòng tôi tràn dâng cảm xúc. Văng vẳng bên tai tôi giọng hát của cô chiến sĩ biên phòng Nghệ An cùng đi. Những làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh sao mà da diết, thân thương thế. À ơi, nợ tiền càng trả càng vơi. Nợ tình càng trả ai ơi càng đầy.
Công việc đền ơn đáp nghĩa là cuộc nợ tình của cả dân tộc, của những người đang sống với những người con ưu tú đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Dẫu chúng ta có làm bao nhiêu cũng chưa đủ. Món nợ với Trường Sơn càng trả càng đầy.
Tôi nhớ đến giọng sôi nổi của anh Sáu Phong khích lệ chúng tôi khi khởi động chương trình này: Mình ủng hộ các cậu. Nên làm, rất nên làm…
Cuối năm 2011
Bút ký của TRẦN THẾ TUYỂN