Trưởng thành cùng cách mạng

Khi ông mới 13 tuổi, cha ông bị địch sát hại. Từ lòng căm thù địch sâu sắc, ông tình nguyện theo các anh bộ đội tham gia các trận đánh, trong đó trận kìm chân địch tại mặt trận miền Nam đã góp phần cùng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của 60 năm trước. Đó là Thiếu tướng Cao Long Hỷ.
Trưởng thành cùng cách mạng

Khi ông mới 13 tuổi, cha ông bị địch sát hại. Từ lòng căm thù địch sâu sắc, ông tình nguyện theo các anh bộ đội tham gia các trận đánh, trong đó trận kìm chân địch tại mặt trận miền Nam đã góp phần cùng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của 60 năm trước. Đó là Thiếu tướng Cao Long Hỷ.

Trong những ngày kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ký ức lại ùa về. Thiếu tướng Cao Long Hỷ bồi hồi nhớ lại: “Đó là trận đánh đầu tiên sau khi chúng tôi ra trường và cũng là trận đánh vang dội nhất. Khi ấy đang trong những ngày làm lễ bế giảng tại Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, tôi và 300 đồng chí cùng khóa học được lệnh tham gia hưởng ứng, tiếp sức chiến dịch Điện Biên Phủ theo Phân khu miền Tây Nam bộ với nhiệm vụ đánh kìm chân địch”. Từ những chiến công trong trận đánh ấy, tháng 6-1954, ông được kết nạp vào Đảng CSVN.

Thiếu tướng Cao Long Hỷ

Thiếu tướng Cao Long Hỷ

Ông vẫn nhớ như in thời kỳ đầu đi theo các anh bộ đội tham gia các trận đánh. Khi được giao nhiệm vụ dò la tình hình địch, cậu bé Hỷ thời ấy vừa sợ nhưng tự hào vì được các anh tin tưởng giao phó. Lần nào được giao nhiệm vụ, ông cũng đều hoàn thành. Nhiệm vụ khó khăn đã giúp ông trở thành người chiến sĩ mưu trí, gan dạ. Ông cho xem bức ảnh chụp chung với người chỉ huy Hai Bứa khi ông mới tham gia bộ đội. “Chính người bộ đội này đã thử thách, đào tạo và tin tưởng tôi. Tôi hứa với ông sẽ làm bất cứ việc gì để trả thù cho cha mình”, ông Hỷ nhớ lại.

Từ đấy, bàn chân nhỏ của ông đã theo chân bộ đội trên nhiều mặt trận và trở thành người chiến sĩ, sĩ quan cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nhờ đi theo cách mạng từ nhỏ, ông học được cách sống giản dị của anh bộ đội Cụ Hồ và duy trì nếp sống ấy cho đến ngày nay. Trong căn nhà đơn sơ, tài sản vô giá là những bằng khen, huân huy chương và những tấm hình kỷ niệm với đồng đội được treo ở những nơi trang trọng nhất.

Cầm tấm ảnh người phụ nữ mặc quân phục với quân hàm thượng sĩ, ông nói đây là người đã sinh ra ông mà các đồng đội hay gọi là mẹ chiến sĩ, thượng sĩ má Sáu. Vì sống trên mảnh đất anh hùng Củ Chi nên các anh em của ông đều đi theo cách mạng. Nay ở tuổi 80, ông vẫn giữ thói quen đọc báo, nghe đài để theo dõi tình hình trong và ngoài nước. Ông tham gia vào Ban liên lạc truyền thống bộ đội giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa chi đội 12, Trung đoàn 312 và hiện là phó ban liên lạc.

Nhờ đó ông có nhiều cơ hội gặp gỡ đồng đội cũ để động viên thăm hỏi, giúp đỡ lẫn nhau và cùng mọi người tiếp tục phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, góp phần xây dựng quê hương đất nước.

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục