Trưởng thôn Văn Hiệp - Đã hết “trong héo - ngoài tươi”

Trưởng thôn Văn Hiệp - Đã hết “trong héo - ngoài tươi”

Chưa đầy một tuần sau sự ra đi của NSƯT Hồ Kiểng, ngày 9-4, giới nghệ sĩ và khán giả cả nước tiếp tục đau xót khi nghệ sĩ Văn Hiệp về nơi chín suối sau một thời gian dài lâm bệnh. Cả hai nghệ sĩ đều tuy ở hai miền cách xa nhau về địa lý song với người hâm mộ, với đồng nghiệp, họ luôn là những người nghệ sĩ lớn của những vai diễn phó thường dân.

Nghệ sĩ Văn Hiệp

Nghệ sĩ Văn Hiệp

Có lần ông tâm sự rằng: “Mình là người Hà Nội gốc với chiều cao hạn chế”, song niềm đam mê nghệ thuật đã đưa ông đến với sân khấu như một định mệnh. Tốt nghiệp Trường Sân khấu điện ảnh về Nhà hát kịch Trung ương mới nhận ra sự thua thiệt của mình. Những vai như chính diện chẳng bao giờ đến lượt nhưng có lẽ sự hạn chế về hình thức nên hợp nhiều vai diễn cần phải thể hiện sự sâu sắc về nội tâm. Ông tâm niệm rằng đã là nghệ thuật, thì đều giống nhau, đó là phải thành tâm. Cầu thủ trước khi vào sân không thể biết mình “diễn” thế nào cả. Chỉ vào sân mới biết mình làm gì với đôi chân và cảm hứng của mình. Đó là thứ nghệ thuật của bản năng, không thể giả dối được. Chính vì thế, ông không hề ám ảnh bởi các vai diễn phụ mà luôn miệt mài như “giun đất”, cứ cần mẫn mỗi ngày, xới xáo làm những mảnh đất cằn trở nên tơi xốp.

 Chỉ nhìn thấy anh chứ chưa cần nghe anh nói mọi người đã ngay lập tức cảm thấy sự hài hước ở anh vì thế mà bạn bè đồng nghiệp mới chua xót cho cái cảnh “trong héo - ngoài tươi” lúc nào cũng đau đáu đem lại niềm vui cho đời ở nơi anh. Trong suốt quãng đường nghệ thuật chông gai và trắc trở đó chưa một lần anh nản chí chứ đừng nói tới chuyện bỏ nghề. NSND Doãn Châu

Những người công tác cùng thời với nghệ sĩ Văn Hiệp đều biết đến ông với những vai diễn ấn tượng trong vở Bài ca Điện Biên - Nhà hát kịch Việt Nam. Đạo diễn Doãn Hoàng Giang, một người bạn đồng niên nhìn ông bảo: “Mày diễn như có “ma”! Tuy nhiên theo đồng nghiệp, vai diễn đánh dấu sự khởi nguồn hài kịch của Văn Hiệp chính là vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến của đạo diễn Dương Ngọc Đức. Thời gian về sau, nghệ sĩ Văn Hiệp chuyển sang truyền hình với chương trình Gặp nhau cuối tuần. Một loạt tiểu phẩm về những mâu thuẫn vùng nông thôn, Văn Hiệp trong vai trưởng thôn đi giải quyết các mâu thuẫn đó. Một ông trưởng thôn Văn Hiệp mặc áo bộ đội cũ, tay đeo băng đỏ, cầm còi chuyên giải quyết những tranh chấp nhỏ tí xíu của mấy ông nông dân chân đất lắm chuyện hay rượu chè trong làng, là hai nhân vật Giang Còi và Quang Tèo. Nhân vật trưởng thôn Văn Hiệp với câu nói cửa miệng “xét một cách toàn diện” hiện lên với một màu sắc riêng không lẫn với bất cứ ông trưởng thôn nào khác và vai trưởng thôn đóng đinh với nghệ sĩ Văn Hiệp từ đó.

Đã sát cánh cùng nhau suốt 60 năm qua từ khi còn ngồi học ở Trường Minh Tân, NSND Doãn Châu không khỏi bàng hoàng trước sự ra đi của người bạn vong niên Văn Hiệp. Trong mắt của NSND Doãn Châu, Văn Hiệp luôn là người tâm huyết, nhiệt tình và không ngừng nỗ lực nuôi dưỡng tình yêu với sân khấu. Ông tâm sự, ở Văn Hiệp không chỉ là một nghệ sĩ miệt mài, tài năng mà ông còn luôn chung thủy, tận tâm với sân khấu. Trong suốt sự nghiệp của mình, Văn Hiệp đã tích góp một “gia tài khổng lồ” với hơn 1.000 vai diễn lớn nhỏ trong phim ảnh và sân khấu cả chính kịch lẫn hài kịch. Hiếm có nghệ sĩ nào trăn trở với nghề như vậy.

“Ấy nhưng, con đường thăng tiến của Văn Hiệp lại vô cùng trắc trở. Khán giả cả nước ai cũng yêu mến và công nhận tài năng của ông nhưng cả 2 lần được làm hồ sơ xét tặng danh hiệu NSƯT đều bị loại” - NSND Doãn Châu nói. Lý do hội đồng đưa ra là các vai diễn của Văn Hiệp nghiệp dư (có lẽ vì anh chuyên đóng vai phụ - nên bị coi thiếu chuyên nghiệp - NSND Doãn Châu) và bởi anh chưa có đủ các huy chương cần thiết cho việc xét duyệt.

Cuộc sống cá nhân của anh cũng gặp nhiều trắc trở thế nhưng chỉ cần bước lên sân khấu, đứng dưới ánh đèn của màn nhung đỏ ngay lập tức Văn Hiệp trở thành một con người khác. Nghệ sĩ Văn Hiệp từng tâm sự: “Đi đâu cũng được mọi người cười, chào, rồi hỏi thăm ríu rít… đó là điều hạnh phúc nhất của tôi có được”.

Dẫu biết rằng phần thưởng lớn nhất dành cho nghệ sĩ là ở trong lòng công chúng, song trách nhiệm của mỗi chúng ta, những người ở lại là tìm được cho anh sự tôn vinh xứng đáng cho người đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật như ông.

>> “Trưởng thôn” Văn Hiệp qua đời

* Nghệ sĩ Văn Hiệp tên thật là Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1942, quê gốc ở Thanh Trì, Hà Nội. Ông tốt nghiệp khóa đầu tiên Đại học Sân khấu - Điện ảnh, cùng khóa với các NSND Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Doãn Châu. Lễ viếng nghệ sĩ Văn Hiệp từ 10 giờ ngày 11-4, lễ truy điệu lúc 12 giờ cùng ngày, sau đó hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ, Hà Nội.

Thu Hà

Tin cùng chuyên mục