“Truy” tới cùng nhiều vấn đề dân sinh

* Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tất Thành Cang:
“Truy” tới cùng nhiều vấn đề dân sinh

Phiên chất vấn kỳ họp thứ 12 HĐND TPHCM khóa VIII

Hôm qua (11-12), kỳ họp thứ 12 HĐND TPHCM khóa VIII diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Nhiều vấn đề được đại biểu (ĐB) “truy” tới cùng như: lãng phí trong hoạt động xe buýt; khi nào TP hết ngập; hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ trong chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP…

Đến năm 2020 vẫn còn trợ giá xe buýt

Đăng đàn trả lời chất vấn, Giám đốc Sở GTVT Tất Thành Cang nhận nhiều câu hỏi liên quan đến sự chưa hợp lý về tổ chức luồng tuyến xe buýt, cung cách phục vụ của nhân viên xe buýt còn kém. Tuy nhiên, xoáy sâu vấn đề trợ giá xe buýt, ĐB Võ Văn Sen chất vấn: Trong 5 năm TP đã trợ giá xe buýt trên 3.200 tỷ đồng, riêng năm 2013 chi trợ giá cả ngàn tỷ đồng. Chi trợ giá cho xe buýt đến gần 7% ngân sách, vậy có lãng phí không?

Trả lời vấn đề này, ông Tất Thành Cang cho rằng, để thu hút người dân tham gia phương tiện công cộng mà nếu giá vé quá cao thì dân sẽ không kham nổi nên cần phải trợ giá cho hoạt động xe buýt. “Trợ giá này là cho phần chênh lệch do chi phí nhân công lao động, nhiên liệu tăng nhưng giá xe buýt vẫn không tăng” - ông Tất Thành Cang giải thích. Trong 10 năm, lượng khách đi xe buýt đã tăng từ 32 triệu lượt khách năm 2002, đến năm 2013 phát triển gần 400 triệu lượt khách/năm. Nếu hàng triệu lượt người này không đi xe buýt sẽ tương ứng có hơn 500.000 xe máy lưu thông mỗi ngày và theo tính toán của giới khoa học sẽ gây thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng/năm do ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… nên tôi cho rằng hoạt động xe buýt khá hiệu quả!” - ông Tất Thành Cang khẳng định. Tuy nhiên, ông Cang cũng thừa nhận có lãng phí về trợ giá do luồng tuyến phân bổ chưa hợp lý, lãng phí trong quản lý…

Đánh giá trả lời của Giám đốc Sở GTVT Tất Thành Cang là đầy đủ, thẳng thắn, tuy nhiên, theo ĐB Võ Văn Sen thì “TPHCM quá sang khi sử dụng nguồn ngân sách rất lớn để trợ giá xe buýt, thời gian tới chắc chắn sẽ tăng hơn nữa. Do vậy, cần phải xác định chuẩn nào là “đèn đỏ” để hết phải trợ giá vì sử dụng tiền này là phải có lộ trình chứ không thể đụng đâu làm đó, làm tới đâu tính tới đó”.

Giám đốc Sở GTVT Tất Thành Cang không trả lời thẳng câu hỏi này mà cho rằng: “Trong khả năng tiếp cận hạn hẹp của tôi thì chỉ có Singapore không thực hiện chương trình trợ giá bằng tiền mà bằng chính sách. Nghĩa là nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu rồi giao cho doanh nghiệp vận hành, khai thác, quy định giá vé… Ở Mỹ trợ giá 63%, Pháp 57%, Anh 52%, Thụy Điển 60%... và TPHCM đến tháng 8-2013 mức trợ giá là 43%. Trợ giá xe buýt là tình hình chung của thế giới. Hiện nay, người tham gia phương tiện công cộng tại TPHCM là 11%. Đến khi khách đi phương tiện công cộng đến trên 40% mới xem xét các chính sách khác thay trợ giá. Đồng thời, một trong những giải pháp quan trọng để giảm trợ giá xe buýt là TP đang tập trung đầu tư 7 tuyến metro, tuy nhiên cần phải có lộ trình. Do vậy, từ nay đến năm 2020 TP chắc chắn vẫn phải trợ giá cho hoạt động xe buýt”.

Tiếp tục chất vấn, ĐB Vương Đức Hoàng Quân cho rằng, Giám đốc Sở GTVT phải hết sức thận trọng khi so sánh có sự tương đồng về số tiền trợ giá xe buýt giữa TPHCM với Singapore và các nước nhóm G7 vì sẽ khập khiễng như thu nhập bình quân đầu người các nước này cao hơn Việt Nam. Đồng thời, ĐB Vương Đức Hoàng Quân đề xuất việc trợ giá xe buýt làm sao để là “cho cần câu chứ không nên cho cá”.

Trả lời ý kiến này, ông Tất Thành Cang cho rằng không có ý so sánh mức trợ giá của TPHCM với các nước mà chỉ là cung cấp thêm thông tin để các đại biểu tham khảo! Còn phương thức trợ giá hiện nay dưới 2 hình thức là trợ giá trực tiếp cho người thụ hưởng (thông qua giá vé) và các chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp đầu tư phương tiện nên cách này theo ông Tất Thành Cang là cho cần câu chứ không phải cho cá.

Sẽ triển khai quảng cáo trên xe buýt

Trước nhiều chất vấn của ĐB tại sao không triển khai quảng cáo trên xe buýt, Giám đốc Sở GTVT Tất Thành Cang cho rằng nguồn thu được từ hoạt động này khoảng 10% trên tổng mức trợ giá nhưng đây là vấn đề nhạy cảm, còn nhiều ý kiến khác nhau, vì ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục. Ngoài ra, theo Quy định 39 của UBND TP đang cấm hoạt động quảng cáo trên xe buýt. Mặc dù vậy, Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo giao Sở VH-TT-DL tham mưu điều chỉnh quy định này. Cũng theo chỉ đạo của TP, quý 1-2014, Sở GTVT sẽ báo cáo TP đề án thí điểm quảng cáo trên thân xe buýt.

Điều hành chương trình, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu lãnh đạo UBND TPHCM trả lời dứt khoát việc cho hay không cho quảng cáo trên xe buýt. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín trả lời, nguồn thu từ quảng cáo trên xe buýt hỗ trợ một phần ngân sách cho vấn đề trợ giá xe buýt. Tuy nhiên, đây không phải là lý do chính. Vấn đề TP quan tâm là làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, mỹ quan. Do vậy, TP đang chỉ đạo nghiên cứu những nội dung quảng cáo gì cho phù hợp đặc điểm đô thị. Trên cơ sở các nội dung, tiêu chí rõ ràng được thông qua, TP sẽ cho tiến hành thực hiện bằng cách đấu thầu quảng cáo công khai. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm kết luận: Trong kỳ họp HĐND TP tháng 7-2014, UBND TP phải báo cáo HĐND TP vấn đề này.

Năm 2020 sẽ xóa ngập bền vững?

Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Nguyễn Ngọc Công trả lời chất vấn.

Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Nguyễn Ngọc Công trả lời chất vấn.

Sau gần 5 năm kể từ khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự án quy hoạch thủy lợi chống ngập tại TPHCM (dự án 1547) đến nay đã tăng vốn từ 11.000 tỷ đồng lên hơn 57.000 tỷ đồng mặc dù các hạng mục của dự án chưa triển khai được bao nhiêu. ĐB Nguyễn Thị Việt Tú đưa ra thông tin này và lo lắng: “Việc thay đổi này có làm trung tâm gặp trở ngại gì không?”.

Ông Nguyễn Ngọc Công, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP cho rằng, dự án 1547 sau khi tính toán đầy đủ bao gồm cả chi phí đền bù giải tỏa đến nay đã tăng vốn lên 57.800 tỷ đồng với các hạng mục chính gồm 149km đê bao dọc sông Sài Gòn; 9 cống ngăn triều lớn để giải quyết triệt để ngập úng do triều cường và mưa cho toàn thành phố. Do vốn đầu tư dự án quá lớn nên khả năng TP phải kêu gọi hợp tác bằng hình thức PPP (công -tư). Nhiều ĐB cũng chất vấn cụ thể các công trình chống ngập ở khu vực đường Hồ Học Lãm, An Dương Vương (quận Bình Tân), kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên khi nào xong, nguyên nhân chậm trễ do đâu? Về chống ngập ở khu vực đường Hồ Học Lãm, An Dương Vương, ông Nguyễn Ngọc Công hứa trong năm 2014 tuyến đường này sẽ hết ngập!

Theo ĐB Võ Văn Sen, trong năm 2013 thành phố đã xóa 9 điểm ngập, nhưng điểm ngập phát sinh là 12 điểm. “Số điểm ngập phát sinh nhiều hơn điểm ngập đã xử lý thì có thể nói chương trình xóa ngập thành phố trong năm qua là không hiệu quả”. Theo ông Nguyễn Ngọc Công, các điểm ngập mới phát sinh chủ yếu do việc thi công các dự án hạ tầng làm xâm chiếm dòng chảy, trong khi công tác dẫn dòng không đảm bảo. Cụ thể, dự án cải thiện môi trường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm dẫn dòng không hợp lý chứ không phải ngập phát sinh do mưa lớn hay triều cường. Hiện nay còn 8 điểm ngập phát sinh tại khu vực ven kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Nếu các công trình cải tạo lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm hoàn thành vào đầu quý 3-2014 thì xem như 8 điểm ngập nặng khu vực này sẽ không còn nữa. Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay thì trong giai đoạn 2015 - 2020 TPHCM phải đầu tư thêm khoảng 1.500km cống bao nữa mới giải quyết ngập bền vững được.

Sau khi nghe phần trả lời của đại diện Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nói: “Hy vọng trong 5 - 10 năm nữa người dân sẽ không còn nghe cơ quan chức năng giải thích rằng thành phố bị úng ngập do triều cao, ngập do cống thoát nước nhỏ, do mưa lớn...”. Đánh giá cao sự tích cực trong triển khai các biện pháp chống ngập của Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP và các sở, ngành liên quan, nhưng Chủ tịch HĐND TP cho rằng việc triển khai nhiều dự án còn chậm. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm lưu ý trong thời gian tới UBND TP, Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP cần chỉ đạo quyết liệt hơn để các dự án chống ngập sớm đưa vào sử dụng và đảm bảo được hiệu quả.

* Riêng trả lời câu hỏi mà nhiều ĐB “truy” về trách nhiệm cơ quan nào để xảy ra vụ vỡ bờ bao tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Công lý giải: Giai đoạn năm 1960 - 2007 (trong vòng 60 năm) đỉnh triều tối đa ở mức 1,50m, đến 2007 - 2008 lại xuất hiện đỉnh triều 1,55m nhưng đến năm 2013 đỉnh triều là 1,61m và tháng 10-2013 đo được 1,68m. Đây là nguyên nhân gây áp lực đẩy nước từ sông Sài Gòn vào các kênh rạch gây vỡ bờ bao ở khu vực quận Thủ Đức vừa qua. Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức Trần Thị Hạnh nói rằng sự cố vỡ bờ bao vào đêm 4-12 vừa qua là ngoài ý muốn, gây ảnh hưởng đến khoảng 450 hộ dân. Ngay trong chiều 6-12, lãnh đạo quận đã đến thăm 25 hộ gia đình, hỗ trợ mỗi hộ từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Quận Thủ Đức giao phường Hiệp Bình Chánh tiếp tục rà soát để có hướng hỗ trợ người dân tiếp tục ổn định cuộc sống.

Băn khoăn cơ chế đặt hàng nghiên cứu khoa học

Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM Phan Minh Tân.

Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM Phan Minh Tân.

Trả lời chất vấn về tình hình ứng dụng các nghiên cứu khoa học, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) TP Phan Minh Tân cho biết: Trong giai đoạn 2011 - 2013 tổng số đề tài nghiên cứu khoa học được sở triển khai thực hiện là 270 đề tài và 3 dự án. Trong đó, 110 đề tài và 2 dự án đã được nghiệm thu, số còn lại đang trong thời gian nghiên cứu, chưa đến hạn nghiệm thu. Đã thu hút được vốn đầu tư cho nghiên cứu từ các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp thông qua cơ chế đồng đầu tư khoảng 30 tỷ đồng, chiếm 11% tổng kinh phí ngân sách nghiên cứu khoa học. Số lượng đề tài có kết quả nghiên cứu được ứng dụng trực tiếp phục vụ công tác quản lý, sản xuất kinh doanh tạo giá trị gia tăng chiếm trung bình 30% tổng số đề tài triển khai. Số lượng đề tài có kết quả nghiên cứu được ứng dụng gián tiếp trong việc tăng cường tri thức, hiểu biết mới trong các lĩnh vực KH-CN, cung cấp cơ sở khoa học phục vụ xây dựng chính sách; hỗ trợ ươm tạo đội ngũ cán bộ trẻ chiếm trung bình 32% tổng số đề tài. Còn lại 38% là những đề tài có kết quả nghiên cứu còn ở quy mô phòng thí nghiệm, giai đoạn trung gian chưa được ứng dụng ngay mà cần phải tiếp tục đầu tư nghiên cứu; hoặc những đề tài có kết quả nghiên cứu không thể ứng dụng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ông Phan Minh Tân cũng thừa nhận hiệu quả đầu tư còn một số khó khăn, yếu kém; KH-CN chưa là động lực trực tiếp cho phát triển xã hội.

Trước phần trả lời của ông Phan Minh Tân, ĐB Tô Thị Bích Châu nói thẳng: “Qua trình bày của đồng chí, tôi cảm thấy bức tranh về KH-CN chưa theo kịp thực tế. Cách đây 3 năm tôi nghe chuyện mỗi đề tài triển khai, giám đốc sở phải ký 100 chữ ký, tôi cứ tưởng chuyện đùa. Hôm nay đích thân đồng chí thừa nhận chuyện này thì tôi thấy băn khoăn. Làm sao kích thích trí thức trẻ, nhà khoa học trẻ đăng ký đề tài nếu không có cơ chế thoáng trong nghiên cứu?”. Băn khoăn về cơ chế “đặt hàng” đề tài nghiên cứu khoa học hiện nay chưa phù hợp thực tế, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu: “Tôi thật sự chưa yên tâm với cơ chế mua hàng như thế này, mua mà không biết để làm gì thì cần phải xem lại”.

Tham gia giải đáp về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà thông tin: UBND chỉ đạo các sở hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước, cụ thể là cố gắng đưa KH-CN nhanh nhất vào cuộc sống, vì doanh nghiệp mới biết đề tài nào cần thiết cho hoạt động của doanh nghiệp. Thời gian qua, TP dành nhiều kinh phí cho KH-CN, việc giải ngân còn thấp là do hạn chế những đề tài không cần thiết. Tuy nhiên, UBND TP cũng có trách nhiệm trong việc giao kế hoạch chậm, nhưng là do muốn xem xét kỹ để đề tài không lãng phí.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm kết luận: “Đầu tư trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KH-CN tại TP đã nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo nên chúng ta đã tạo dựng được những cơ sở nghiên cứu khoa học như Công viên phần mềm Quang Trung, Khu công nghệ cao. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ TP, chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, năng lực cạnh tranh chưa cao, chuyển đổi cơ cấu kinh tế chậm. Tất cả những điều này đều liên quan đến hiệu quả của đầu tư nghiên cứu KH-CN. Do vậy chúng ta lưu ý cần phải có giải pháp tạo điều kiện cho các nhà khoa học nghiên cứu, đồng thời phát huy cơ chế đặt hàng đảm bảo nhu cầu phát triển của TP trong từng giai đoạn. Ngân sách TP, nguồn lực có hạn nên phải cân nhắc vấn đề nào cần đặt trọng tâm, ưu tiên nghiên cứu. Ngoài ra, Sở KH-CN cần làm tốt vai trò kết nối giữa các nhà khoa học với những lãnh đạo, quản lý TP, với các doanh nghiệp để có những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu phát triển của TP”.

VÂN ANH - ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục